Nhạc sĩ Phú Quang: Đau đáu một tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội

Minh AnAn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong kho tàng hơn 600 ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang, có nhiều sáng tác về Hà Nội như: “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ), “Đâu phải bởi mùa Thu” (phỏng thơ Giáng Vân), “Hà Nội ngày trở về”, “Biển nỗi nhớ và em”… Các tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang sáng hay hay phổ thơ đều đau đáu một tình yêu, nỗi nhớ Hà Nội bằng phong vị Hà thành, làm lay động những người nặng lòng với Hà Nội.

Nghệ sĩ Việt nghẹn ngào tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang

Sau thời gian lâm bệnh nặng, nhạc sĩ Phú Quang – tác giả của những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/12/2021. Nhạc sĩ Phú Quang ra đi ở tuổi 72, sau gần 2 năm nằm viện vì biến chứng của bệnh tiểu đường. Năm 2020, bệnh tình của ông trở nặng, phải giành giật sự sống trên giường bệnh. Thông tin này từng khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người hâm mộ lo lắng. Tháng 7/2021, gia đình vẫn tổ chức sinh nhật cho nhạc sĩ Phú Quang.
 Nhạc sĩ Phú Quang.

Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương cho mọi người. Trên trang cá nhân, ca sĩ Đức Tuấn viết: “Và chú đã ra đi khi Thu chớm Đông sang. Để bớt cho đời một chút gió lao xao. Và tránh cho em bớt một lời chào. Xin vĩnh biệt chú Phú Quang, người nhạc sĩ của Hà Nội, của trái tim người yêu nhạc Việt Nam”. Ca sĩ Thu Phương lặng lẽ chia sẻ lại ca khúc “Nối buồn” của nhạc sĩ Phú Quang do cô thể hiện kèm dòng trạng thái: “Ôi nỗi buồn, chồng chất thêm nỗi buồn”.

Là một trong những ca sĩ có nhiều gắn bó với nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Mỹ Linh nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi rất thương chú. Tôi nghĩ rằng, cả Hà Nội, người xa xứ, sống ở Đông Âu, những người sống với âm nhạc của Phú Quang sẽ rất tiếc thương chú. Tôi và chú có nhiều tình cảm chú - cháu. Lúc mới vào nghề, tôi hát nhạc chú Quang rất nhiều. Tôi cũng sống trong gia đình chú Quang một thời gian cùng với cô Nhung, vợ cũ của chú Quang. Trong mắt tôi, đó là một gia đình rất hạnh phúc. Tôi thực sự biết ơn khoảng thời gian được làm việc với nhạc sĩ Phú Quang và được ở gần gia đình chú. Chú ra đi là niềm tiếc thương vô hạn với mọi người nhưng ở một phương diện khác, sự ra đi cũng là một sự giải thoát, vì hai năm nay như thế với chú là quá khổ. Tôi tin là chú đã ra đi thanh thản”.

Trên trang fanpage của nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ dòng trạng thái: “Ngày mai ta bỏ đi. Trần gian xin trả lại”. Trong số hơn 1.400 bình luận nhiều khán giả yêu mến ông bày tỏ sự thương xót. Trong đó, tài khoản Lê Đức bày tỏ: “Trái tim người nhạc sĩ tài hoa ngừng đập nhưng ông và giai điệu âm nhạc Phú Quang luôn sống, thổn thức trong trái tim người yêu nhạc, yêu Hà Nội”. Khán giả Hoàng Trọng Thiết gửi lời cảm ơn đến người nhạc sĩ tài năng: “Thật hạnh phúc khi được nghe, được thưởng thức nhức tình khúc của chú. Cảm ơn chú đã để lại cho đời những ca khúc đậm chất tình yêu đôi lứa và những bài hát thật hay về Hà Nội”.

Tình yêu Hà Nội

Trong hơn 600 ca khúc, một số bài nổi tiếng ông gọi đích danh "người yêu" như: “Em ơi, Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Lãng đãng chiều Đông Hà Nội”, sau này có thêm “Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang”, còn lại đa phần không nhắc tới địa danh nhưng ai nghe cũng biết. Bởi tác giả đưa người nghe vào trường hình ảnh, cảm xúc, giai điệu mang tên Hà Nội.

Hà Nội trong nhạc Phú Quang rất đẹp nhưng vì xuất phát từ nỗi nhớ nên thường buồn. Đó là ký ức về những mối tình đã qua không bao giờ trở lại nhưng khó phai mờ. Các ca khúc hiển nhiên thường có bóng dáng của một em nào đó. Nhưng những em đó là ai, lại không cụ thể. Trong cuốn hồi ký “Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện”, phần lời tựa cuốn sách, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: “Tôi đã tìm đến với bài ca như đó là phương cách duy nhất hữu hiệu để làm lắng dịu đi những nỗi bấn loạn nội tâm của mình. Khởi điểm của tôi trong việc viết ca khúc chỉ nhằm một mục đích tự giải thoát khỏi những ám ảnh của một đời sống đầy bức xúc về thân phận, về tình yêu. Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến, đã đi qua cuộc đời mình với hi vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên…”.

Qua từng trang hồi ký, người yêu nhạc có thể nhìn thấy gần như trọn vẹn cuộc sống và con người của một nhạc sĩ tài hoa, lịch lãm, nặng lòng với Hà Nội, với những con người, góc phố thân quen, những Hồ Tây, Hồ Gươm lãng đãng sương giăng… và cả những long đong lận đận trong cuộc đời của ông. Để cuối cùng tất cả những điều đó đều lặn vào trong những sáng tác của ông với một tâm tư, hình hài mới, day dứt và níu kéo mãi người nghe.

Những năm cuối đời nhạc sĩ Phú Quang vô cùng lạc quan. Ông thay đổi chế độ sinh hoạt và tập luyện, luôn tâm niệm và thích câu nói của Exenhin: “Chết thì không có gì mới cả, nhưng không có nghĩa là sống thì mới hơn”.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor, năm 1967-1978, nhạc sĩ Phú Quang công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch. Năm 1987 ông học tại Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Đến năm 1982, sau khi tốt nghiệp, nhạc sĩ công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1986, ông công tác ở Phòng Ca Múa Nhạc Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh.

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Phú Quang còn viết rất nhiều nhạc sân khấu, điện ảnh, nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc múa, nhạc nền cho cải lương. Ông cũng đã xuất bản tập bài hát Đâu phải bởi mùa Thu (1990), Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995). Nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014".