Vào ngày 30/10, những người đồng nghiệp thuộc thế hệ con cháu sẽ đến nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để tiễn đưa ông. Những khúc nhạc như “Bài ca hy vọng”, “Bay lên Việt Nam”... sẽ vang lên để tưởng nhớ nhạc sĩ tài hoa này.
Vươn tới cái đẹpTheo tâm sự của nhạc sĩ Văn Ký khi còn sống, mùa Xuân năm 1958, ca từ của tác phẩm “Bài ca hy vọng” được bật lên một cách tự nhiên. Ông sáng tác trong một thời gian rất nhanh, rồi tự ngân nga đi ngân nga lại những câu hát: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng/Cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân/Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/Nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ/Ước mơ, những mùa Xuân bóng dáng, tương lai/Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm có mùa Xuân nào đẹp bằng”.
Khi nằm trong viện, nhạc sĩ Văn Ký vẫn trăn trở sáng tác các tác phẩm âm nhạc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Nhạc sĩ lập tức đưa tác phẩm của mình đến Nhà xuất bản Âm nhạc để in nhưng bị từ chối vì Ban Biên tập cho rằng lời ca ca khúc lạc quan, lãng mạn quá, không phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước. Về sau, khi nhạc sĩ Văn Ký mang tác phẩm đến Đài Tiếng nói Việt Nam thì được Giám đốc Đài - ông Trần Lâm, Trưởng ban Âm nhạc - nhạc sĩ Phạm Tuyên… đồng ý dàn dựng, thu thanh và phát sóng. Chính tác phẩm này đã có giá trị cổ vũ lớn lao về tinh thần cách mạng cho các chiến sĩ của ta vượt qua những khó khăn trong chiến tranh, tin vào ngày mai tươi sáng.Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, “Bài ca hy vọng” là một tác phẩm lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ khi hát lên được tâm tư của mọi người lúc bấy giờ là hy vọng vào hòa bình, thống nhất cho đất nước. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký không nặng tính giáo điều, tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, mượt mà. Khi viết ca khúc, ông mới 30 tuổi, trái tim trong sáng, giàu nhiệt huyết. Có một điều khiến các ca khúc cách mạng của ông có sức sống bền bỉ qua thời gian là bởi nhạc vừa giàu tính chiến đấu nhưng lại rất trữ tình.“Tôi vẫn yêu cuộc sống”Nhạc sĩ Văn Ký vinh dự đồng hành cùng dân tộc từ những ngày đầu cuộc khởi nghĩa cho tới ngày toàn thắng và trong thời kỳ đất nước đổi mới. Trong hơn 60 năm sáng tác, gia tài của nhạc sĩ Văn Ký là hơn 400 tác phẩm. Bên cạnh những ca khúc đầy khí thế mạnh mẽ đấu tranh thì ông còn có nhiều sáng tác hay như: “Trời Hà Nội xanh”, “Gửi anh người trai Hà Nội”, “Nha Trang mùa Thu lại về”…Ở tuổi 92, ông vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Trong chương trình truyền hình “Cuộc sống vẫn tiếp diễn”, phát sóng hồi tháng 5/2020, nhạc sĩ Văn Ký đã bày tỏ: “Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ”. Cũng chính thời điểm tháng 5, nhạc sĩ Văn Ký còn phổ nhạc bài thơ “Covid phải lùi xa” của tác giả Lê Chín. Nhà thơ Lê Chín nhớ lại hồi tháng 4/2020, khi nghe mọi người tâm sự về những khó khăn của giãn cách xã hội, bà sáng tác "Covid phải lùi xa". Viết xong, bà gọi điện cho nhạc sĩ Văn Ký để khoe. Ông háo hức nói: “Anh sẽ phổ nhạc bài này! Chúng ta cần chung tay góp sức với cả nước!”. Nhạc sĩ mắc nhiều bệnh tuổi già từ cuối năm ngoái, sợ ông làm việc mệt, nhà thơ Lê Chín nói: “Em đọc để anh nghe cho vui thôi. Thời gian này anh cần phải tập trung giữ sức khỏe”. Tuy nhiên, ông quyết tâm sáng tác. Nhà thơ đọc từng câu cho ông chép qua điện thoại, đến 11 giờ tối mới xong. Sáng hôm sau, ông khoe đã phổ xong nhạc và gửi cho NSƯT Minh Quang hát. Tinh thần làm việc của nhạc sĩ Văn Ký từ thuở xưa luôn in đậm trong tâm trí nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Hồi còn nhỏ, những lần đến ngôi nhà 96 Phố Huế, đập vào mắt tôi luôn là hình ảnh nhạc sĩ Văn Ký đang bò soài trên chiếc bàn thấp, miệt mài viết tổng phổ, sáng tác nhạc trong tiếng du dương của những bản nhạc Beethoven, Tchaikovsky”.Nhạc sĩ Văn Ký đã ra đi nhưng ông sẽ mãi mãi là tấm gương về cách sống, về sự cống hiến và tinh thần âm nhạc cho các thế hệ trẻ của Việt Nam sau này.