Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhạc Việt: vòng luẩn quẩn của mô hình nhóm nhạc nam

Huyền Chi/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Nhiều năm qua, các nhóm nhạc nam liên tục ra đời nhưng đều chịu chung số phận tan rã sớm, không thu hút khán giả Việt. Mọi chuyện có khác nếu các thành viên trong một nhóm nhạc đều là ca sĩ đã có tên tuổi?

Nhiều năm qua, các nhóm nhạc nam liên tục ra đời nhưng đều chịu chung số phận tan rã sớm, không thu hút khán giả Việt. Mọi chuyện có khác nếu các thành viên trong một nhóm nhạc đều là ca sĩ đã có tên tuổi?

Chương trình “Anh trai say hi” quy tụ 30 ca sĩ trẻ. Ảnh: Nhà sản xuất
Chương trình “Anh trai say hi” quy tụ 30 ca sĩ trẻ. Ảnh: Nhà sản xuất

Nhóm nam chật vật

Nhạc Việt từng chứng kiến nhiều nhóm nhạc chào sân với tham vọng xoay chuyển nền âm nhạc giống như cách Kpop khuynh đảo thế giới. Trước đây, giai đoạn thập niên 2000, mô hình nhóm nhạc từng có thời hưng thịnh khi hàng loạt nhóm được thành lập và hoạt động sôi nổi như: Mây Trắng, Tik Tik Tak, 5 Dòng Kẻ, MTV, 1080, The Men...

Thế nhưng, thành công đó không thể lặp lại, dù thị trường âm nhạc đang phát triển mạnh mẽ và khán giả cởi mở đón nhận những loại hình giải trí mới. Nhiều nhóm nhạc nam như D1Verse, Zero9, T.A.S, Uni5... được đào tạo và đầu tư bài bản nhưng đều tan rã trước khi được công chúng biết đến.

Khán giả Việt từng dành sự hiếu kì cho nhóm Zero 9, được giới thiệu hoạt động theo mô hình Kpop về cả thanh nhạc và vũ đạo, MV đầu tay được đầu tư 1 tỉ đồng. Họ học theo phong cách thời trang bụi bặm, hầm hố giống Block B, B.A.P. Sau cùng, ca khúc debut của họ lại bị chỉ trích vì bắt chước quá đà, nhạc ồn ào, không hợp thị hiếu khán giả Việt.

Một trường hợp khá đáng tiếc khác là Monstar. Nhóm ra mắt với đội hình 3 thành viên gồm Erik, Nicky, Key. Bài hát đầu tay “Baby baby” được chú ý vì giai điệu bắt tai, phong cách tươi sáng. Cả Nicky và Key đã quen mặt với giới trẻ Hà thành qua những bản nhảy cover các bài hát Kpop nổi tiếng. Hoạt động 5 năm, Monstar vẫn chật vật tìm chỗ đứng, thay đổi đội hình vài lần rồi tan rã năm 2021.

Điểm sáng hiếm hoi có thể kể đến 365 - nhóm nhạc được đào tạo bài bản theo mô hình quốc tế. Nhóm hoạt động liên tục suốt 5 năm dưới sự dẫn dắt của “bà bầu” Ngô Thanh Vân, là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng, có lượng fan lớn trên cả nước. Các thành viên đều có sự nghiệp solo thành công, lấn sân đóng phim, làm MC, tham gia gameshow... Đến năm 2016, 365 tan rã trong sự tiếc nuối của người hâm mộ.

Khó có ngoại lệ

Nhiều khán giả cho rằng, ca sĩ Việt chưa đủ cuốn hút về ngoại hình, khả năng vũ đạo và thanh nhạc còn hạn chế do chỉ đào tạo vài năm. Vì vậy, khi lập thành một nhóm, họ không tạo ra cảm giác đồng đều, kết nối, chuyên nghiệp. Thực chất, bài toán khó lại nằm ở kinh phí. Ông Cao Thắng là “cha đẻ” của 2 nhóm nhạc Lip B, Uni5. Anh phải thừa nhận, ở thị trường nhạc Việt, việc chi tiêu cho một nhóm nhạc là quá tốn kém và phức tạp. Việc duy trì cả một bộ máy cồng kềnh từ quản lý nhóm nhạc, tổ chức ăn uống, tập luyện, đi lại, phục trang... tốn kém hơn rất nhiều so với một ca sĩ hoạt động
đơn lẻ.

Có thể thấy thành công của 365 là một ngoại lệ của mô hình nhóm nam ở Việt Nam. Giờ đây, các thành viên 365 tiếp tục tham gia các chương tuyển chọn nhóm nam là “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi”. Song, nhìn từ sự im ắng của nhóm nhạc bước ra từ “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, có thể hình dung phần nào cái kết cho các nhóm nam sắp tới.

Issac đang là cái tên nổi bật ở “Anh trai say hi”, trong khi S.T Sơn Thạch và Jun Phạm có dịp hội ngộ ở sân chơi “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Các thành viên của 365 được đồng nghiệp đánh giá cao bởi có kinh nghiệm tập luyện, biểu diễn đội nhóm. Không chỉ 365, hai thành viên của Monstar là Erik và Nicky cũng gặp lại nhau ở “Anh trai say hi” sau gần 10 năm kể từ thời cả hai hoạt động chung nhóm.

“Anh trai say hi” cũng là sân chơi mà Huỳnh Hùng tìm kiếm cơ hội sau nhiều năm “ngụp lặn”. Huỳnh Hùng có thời gian 3 năm làm thực tập sinh cho một công ty giải trí của Hàn Quốc đặt trụ sở ở Việt Nam, sau đó ghi danh tại chương trình sống còn “Asia Super Young”. Anh lọt vào vòng Chung kết, dừng chân ở vị trí thứ 17 nhưng không thể ra mắt cùng đội hình cuối cùng.

Khi mô hình nhóm nhạc không được ưa chuộng tại Việt Nam, hơn 60 gương mặt tham gia “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” có lẽ không hướng đến mục tiêu lọt vào top ra mắt. Điều họ có thể nhận lại từ các chương trình này là cơ hội hâm nóng tên tuổi, tăng độ nhận diện và thử thách bản thân với một hình ảnh mới.