Người xưa từng có câu: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Với trường hợp các thí sinh, phụ huynh “thì thụp” vái lạy cái bia hạ mã, nếu bản thân con em họ không chịu khó rèn luyện, chữ nghĩa, chỉ cầu khấn thôi, liệu lấy đâu ra kiến thức mà thi thố với thiên hạ?
Khoa cử xưa, các nho sinh phải “Độc phá vạn quyển” (đọc và khám phá hàng vạn cuốn sách), mới mong bia đá, bảng vàng. Với môn chữ Hán (chữ khối vuông), học trước, quên sau là chuyện bình thường, vì vậy ngoài trí tuệ, hơn hết người ta phải có sự cần cù trau dồi kiến thức. Nếu không, rất dễ “chữ tác đánh ra chữ tộ, chữ ngộ đánh ra chữ quá” (nhầm lẫn chữ nọ sang chữ kia)!
Ngày nay với chữ Quốc ngữ và chương trình giáo dục phổ thông, chỉ cần thí sinh nắm vững kiến thức của 3 năm THPT là có thể tự tin bước vào bất kỳ cuộc thi nào. Đương nhiên, nếu chịu nó bồi bổ thêm kiến thức (ngoài sách vở), khi ấy các thí sinh hoàn toàn có quyền nghĩ đến chuyện mình sẽ là thủ khoa, á khoa… Và với “sự bùng nổ” của hệ thống giáo dục như hiện nay, chỉ cần các em cố gắng đôi chút; cổng trường đại học không còn là điều “cao vời vợi”.
Nhưng xét cho cùng, cái tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đã ăn sâu bám rễ vào tâm lý người dân, việc có “vái tứ phương” một chút – âu cũng dễ thông cảm. Nhưng có vái cũng phải vái cho đúng chỗ, nếu không có dịch, trước kỳ khoa cử, vào Văn Miếu-Quốc Tử Giám thắp cho đức “Vạn Thế Sư Biểu” Khổng Tử và các bậc thánh hiền nén tâm nhanh, cầu xin điều tốt lành đến với mình, âu cũng là nét văn hóa. Đàng này lại thắp vái cái… biển báo giao thông (bia hạ mã) thì thật là…
Cách đây đã lâu, có lần tôi đã chứng kiến vài bậc phụ huynh vào Văn Miếu thắp hương cầu xin cho con em mình đỗ đạt. Trong khi mấy mẹ, mấy chị còn lầm rầm khấn vái, bỗng đâu xuất hiện mà quý bà trông rất “phủi”, 2 tay bê cỗ xôi con gà đặt lên ban thờ Đức Khổng Tử rồi khấn rõ to (nội dung bài khấn tôi không nhớ rõ), nhưng đại ý là cầu cho buôn may bán đắt! Nếu hiển linh, chắc chắn Đức Khổng Tử cũng phải bịt miệng mà cười!