Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân dân tệ liên tục xuống giá: Kịch bản nào cho Việt Nam?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2008, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. NDT là một trong những phương tiện giao dịch thương mại đầu tư lớn nhất của Việt Nam (cùng với USD, EUR, JPY, SGD…), vậy nên việc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc phá giá đồng nội tệ tác động không nhỏ đến Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Thách thức với VND
Trong trường hợp đồng NDT xuống quá thấp, có thể gây áp lực lớn tới cán cân thương mại và tỷ giá của Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, Việt Nam vốn có quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu với Trung Quốc rất lớn, sẽ gây áp lực lên hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tại thị trường trong nước, khi đồng NDT giảm mạnh, hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn, sản phẩm của Trung Quốc cũng đang khiến các DN sản xuất trong nước gặp trở ngại rất nhiều.

Liên quan đến sức ép điều chỉnh giá VND theo đà giảm của NDT, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối - Ngân hàng HSBC Việt Nam Ngô Ðăng Khoa lo ngại, tác động từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã khiến nhiều nước phải phá giá mạnh đồng nội tệ trong năm vừa qua, trong khi Việt Nam phá giá tiền đồng chưa đến 2,5%. Vì thế, nếu thời gian tới, Việt Nam vẫn giữ tỷ giá ổn định hoặc tăng quanh mức 1% sẽ là những thách thức không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu.
Các yếu tố bất ổn lớn trên thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế sẽ tác động rất xấu đến ổn định vĩ mô và môi trường kinh doanh. Về phía DN cần phải tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc không phụ thuộc vào một thị trường mà chuyển hướng sang thị trường khác mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường thuộc khối Liên minh kinh tế Á – Âu. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá VND cần phải hết sức thận trọng, vì động thái này có thể thúc đẩy lạm phát, gây ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, cũng như một số tài sản tài chính khác như trái phiếu Chính phủ. Đây là một loại tài sản không chỉ có các ngân hàng thương mại trong nước, mà các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm trong thời gian gần đây.

Trước đây, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã có tính toán rằng, tiền VND mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2 - 1,6%. Do đó, nếu giảm mạnh giá VND sẽ giúp hàng xuất khẩu giảm giá nhưng giá hàng nhập khẩu lại tăng. Và các khoản nợ nước ngoài bằng USD cũng sẽ tăng mạnh. Các nhà đầu tư khi mua USD chuyển lợi nhuận về nước cũng sẽ thiệt hại khi VND giảm giá. Thực tế, chính sách tỷ giá, đặc biệt là chính sách tiền tệ, không đơn thuần là câu chuyện xuất khẩu và tăng trưởng, mà còn là câu chuyện ổn định vĩ mô, dịch chuyển dòng vốn.

VND được dự báo ổn định

Ngay sau khi tỷ giá USD so với NDT vượt ngưỡng 7.0 lần đầu tiên từ 2008 và ngay lập tức Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, mặc dù vậy, tỷ giá USD/VND diễn biến theo chiều hướng tương đối ổn định. Việt Nam được các chuyên gia kinh tế nhận định đã không bị cuốn vào cuộc chiến phá giá tiền như nhiều nước, tỷ giá VND được dự báo sẽ khó tăng cao trong năm nay, với mức tăng dự kiến từ 2 - 2,5%. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, tuy kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng NDT, mà với hợp đồng này về cơ bản hai bên đã chốt giá với nhau trước đó. Nếu đồng NDT giảm nhiều, trong khi đồng USD tăng thì lại có lợi cho DN xuất nhập khẩu, bởi quy đổi từ đồng USD sang NDT DN sẽ được lợi ích cao hơn.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của Ngân hàng Nhà nước, cùng nguồn ngoại tệ dồi dào, quan hệ cung - cầu ngoại tệ hiện cơ bản ổn định. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BVSC dự đoán dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ...

Theo nhiều nhà kinh tế, trong hoàn cảnh khó khăn trước mắt, Việt Nam vẫn nên kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô. Thay vì phá giá tiền VND, nên quay về phát triển nội lực với các chính sách cải cách hành chính, thể chế, luật pháp để tạo ra một thị trường lành mạnh. Tăng cường đầu tư vào hạ tầng, cả vật chất lẫn con người và giảm chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN.
Năm nay, nếu tỷ giá được kiểm soát ở mức 2 - 3% sẽ là một thành công nữa của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước phải luôn theo dõi sát sao diễn biến tình hình, xu hướng điều chỉnh đồng tiền của các cường quốc, đặc biệt là đồng NDT và USD để đảm bảo quan hệ tỷ giá giữa các đồng tiền này với VND không tác động tiêu cực đến nền kinh tế. 

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương