Nhận diện 3 mánh lừa đảo BĐS tinh vi trên thị trường hiện nay

Chia sẻ Zalo

Mạo danh chủ đầu tư, vẽ dự án để bán là những chiêu lừa đảo đã có từ lâu. Tuy nhiên, trên thị trường BĐS hiện nay xuất hiện thêm hàng loạt những chiêu lừa đảo mới tinh vi hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Lừa giảm giá bán dự án còn một nửa
Hiện nay có nhiều chủ đầu tư BĐS năng lực yếu kém dùng chiêu giảm giá khi mua sỉ để đánh vào lòng tham của khách hàng rồi "ôm tiền" lặn mất tăm. Theo nhiều chuyên gia nhận định, chủ yếu những chủ đầu tư này thường có năng lực yếu kém, biết không thể hoàn thiện tiếp dự án nên đã dùng chiêu trò hạ sâu giá bán nhằm vét nốt số tiền còn lại.
Còn nhớ mới đây hàng chục người cũng điêu đứng khi mua dự án Long Phụng Residence nằm tại mặt tiền đường số 1, ngay trung tâm khu dân cư Tên Lửa, phía tây TP.HCM do Công ty CP Địa ốc Bình Tân làm chủ đầu tư. Tại dự án này, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà theo dự kiến là 31/12/2011 và độ trễ không quá thời hạn 90 ngày nhưng đến nay dự án vẫn nằm im bất động.

Trước thời điểm dự án ngưng thi công cách đây 3 năm, khi ấy dự án đã xây xong thô chủ đầu tư đã thực hiện chiến dịch giảm giá bán đại trà, từ 16 triệu đồng/m2 xuống còn 11-13 triệu đồng/m2, thậm chí có thời điểm chỉ còn 7 triệu đồng/m2. Vì ham rẻ và thấy tiến độ dự án đã gần hoàn thiện nên có nhiều người đã mua đến chục căn hộ thậm chí ôm cả 2 sàn gồm 21 căn hộ.

Nghiêm trọng hơn nữa, trong quá trình đi tìm chủ đầu tư để khiếu kiện khi dự án chậm tiến độ lên đến 3 năm, nhiều người mua nhà bỗng phát hiện ra căn hộ mình đã ký mua và đóng gần hết tiền cũng được chủ đầu tư bán cho người khác. Xót xa trước hàng tỷ đồng bỏ tiền vào mua dự án chưa có ngày hoàn thiện, hàng trăm khách hàng tại đây như "chết đứng" khi nghe được tin giám đốc công ty đang đi chữa bệnh tại nước ngoài chưa biết khi nào về.

Đa cấp "lừa" bán bất động sản nở rộ

Hiện nay, lợi dụng bất động sản đang nóng, nhiều người quan tâm nên chiêu trò mở khóa học dạy làm giàu từ BĐS đang được nhiều kẻ xấu tận dụng. Sản phẩm chủ yếu được các đơn vị này chào bán thường ở phân khúc biệt thự bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng... nhưng thường nằm ở những địa bàn chưa có hạ tầng và tiện ích đầy đủ, chủ đầu tư cũng rất ít tiếng tăm, giá bán rất thấp (chỉ bằng khoảng 40-50% giá những dự án quanh khu vực), nhưng lợi nhuận cam kết rất cao, gấp đôi thị trường (trên 14% mỗi năm).

Bên cạnh đó, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6-7% giá trị sản phẩm. Nếu học viên không có tiền thì có thể cùng góp vốn vào một sản phẩm cùng rất nhiều người khác. Chính vì đánh vào tâm lý chung của những người không có tiềm lực về tài chính nhưng muốn làm giàu nhanh từ bất động sản nên chiêu thức này đã khiến rất nhiều học viên sập bẫy đầu tư.

Theo như quan sát thì nếu đầu khóa học học viên đăng ký mua thì đến giữa là phải tìm cách bán ngay cho những học viên khác để lướt sóng ăn chênh ngay. Còn để khi kết thúc khóa học rồi thì rất khó bán vì loại sản phẩm này ít thông tin trên thị trường, hạ tầng lại chưa có. Đến khi đó, sản phẩm đầu tư có khi còn chưa có hình có dạng trong khi tiền thì đã bay đi hết.

Đủ chiêu "câu khách" của dân môi giới BĐS

Bất động sản là tài sản có giá trị rất lớn, trong khi đó, môi giới đa phần tuổi đời còn trẻ, thậm chí ra trường thất nghiệp là đi làm môi giới. Có những môi giới hành nghề bằng chính mồ hôi nước mắt để bán hàng, tuy nhiên cũng không ít trường hợp vì món lợi lớn trước mắt mà cò đất đã bất chấp, lừa dối khách hàng, để có tiền.

Khách hàng thường mua căn hộ qua sàn hay môi giới bên ngoài chứ không mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Vì vậy nhiều người mua căn hộ nếu không tìm hiểu kỹ về dự án thì dễ bị môi giới dự dỗ bằng lời ngon ngọt. Có nhiều trường hợp khách hàng chịu mức đắt hơn khi môi giới hứa chọn cho căn góc đẹp, view thoáng. Tuy nhiên, sau khi chốt hợp đồng khách mua mới tá hỏa theo quy hoạch giai đoạn 2 chủ đầu tư sẽ xây thêm một tòa nữa án ngữ trước mặt chắn hết tầm nhìn của căn hộ này.

Cũng có nhiều trường hợp khách hàng ký hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ dự án cho biết, dù mua căn hộ không thuộc trường hợp được vay gói lãi suất ưu đãi 30 nghìn tỷ nhưng vẫn được môi giới hứa sau này nhất định sẽ vay được bằng cách tách hợp đồng. Nhưng đến lúc ký hợp đồng thì khách hàng mới tá hỏa đấy chỉ là lời dụ dỗ đường mật của môi giới.