Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh dự và phát biểu ý kiến.
Doanh nghiệp Nhà nước đóng góp hơn 29% GDP
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Xét về hiệu quả sử dụng lao động, các DNNN thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Mức thu nhập bình quân tháng của một lao động tại các DNNN trong năm 2020 đạt khoảng 20 triệu đồng.
Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Riêng tại Hà Nội, theo số liệu của UBND TP Hà Nội, đến đầu năm 2022, thành phố còn 27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và có vốn nhà nước đầu tư tại 29 doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, về cơ bản các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (tổng lợi nhuận trước thuế đạt 8.654 tỷ đồng, số phát sinh phải nộp ngân sách là 9.579 tỷ đồng), tổng vốn chủ sở hữu tại 27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 22.175 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm an sinh xã hội, có đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của Thành phố.
Công tác sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 của Hà Nội mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã được Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện theo đề án và chỉ đạo của Trung ương. Các doanh nghiệp trước khi triển khai được từng bước xử lý tồn tại về công nợ, tài chính, tài sản; công tác xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa được chú trọng, đã xây dựng và xác định rõ các mục tiêu, nguyên tắc làm cơ sở rà soát, thu hồi về Thành phố các địa điểm nhà đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.
Dù khối DNNN có nhiều nỗ lực vươn lên trong bối cảnh mới, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Năng lực đổi mới sáng tạo của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy và việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức.
Các vướng mắc thực tế được Tập đoàn Dầu Khí đưa ra gồm: Quy định trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư còn phức tạp, quá trình thực hiện phải tham chiếu quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai,… kéo dài quá trình chuẩn bị đầu tư, dễ phát sinh các sai sót. Quá trình triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư dự án còn chậm, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án…
Còn đại diện VNPT cho hay, theo Báo cáo thường niên “Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số”, nguồn vốn của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế. 60,10% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh khó khăn lớn nhất của họ khi chuyển đổi số là chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số. Nguồn vốn ngân sách bố trí cho chuyển đổi số vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp. Mức trung bình của Việt Nam hiện nay đang là 0,3% trong khi mức trung bình của thế giới là 2 - 3%, Singapore là 4 - 5%. Trong đại dịch, nhu cầu sử dụng dịch vụ số tăng thì việc bố trí ngân sách để triển khai các dự án chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong năm 2021 gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, đầu tư công và chi thường xuyên từ vốn ngân sách năm 2021 bị cắt giảm nhiều so với đăng ký của các bộ ngành, địa phương, ảnh hưởng đến chương trình chuyển đổi số của địa phương và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.
Công tác quản trị chậm đổi mới
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Chúng ta xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển KTXH”. Bên cạnh những mặt đã đạt được, Thủ tướng cũng thừa nhận, khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế của mình, chưa phát huy được lợi thế về nắm giữ nguồn lực trong thực hiện sứ mệnh của mình.
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước", Thủ tướng chỉ rõ, "rất cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những vướng mắc, hạn chế trong chính doanh nghiệp để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển KTXH thời gian tới".
Đặt vấn đề về công tác quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa theo kịp với quy mô tài sản doanh nghiệp quản lý, Thủ tướng nêu rõ, thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, có nơi làm không được, có nơi đùn đẩy trách nhiệm... "Vậy nguyên nhân là gì, có phải do chính người đứng đầu tổ chức đó hay không? Hay do cơ chế, chính sách hay sự phối hợp giữa các bộ, các ngành hay do chỉ đạo? Những vấn đề yếu kém, vướng mắc chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân để có giải pháp thích hợp".
"Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN như thế nào để phù hợp, nhất là ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp này?".
Thủ tướng cũng lưu ý thêm, trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc một sớm, một chiều, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, xung đột địa chính trị, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới, sự phát triển nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, những cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các DNNN nói riêng.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận, đưa ra các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục, xử lý triệt để các tồn tại, hạn chế phát sinh trong giai đoạn 2016 - 2020; trong đó xây dựng phương án và lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất.
Đối với các doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài về tài chính, tài sản, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thì xem xét, đề xuất chưa thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025; chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác để thực hiện quản lý theo quy định; đồng thời tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc.
Đối với các doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài về tài chính, tài sản, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thì xem xét, đề xuất chưa thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025; chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khác để thực hiện quản lý theo quy định; đồng thời tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc. Chỉ thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện để triển khai, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.
Thành phố cũng sẽ rà soát các nguồn lực, năng lực tổng thể của các doanh nghiệp (nhất là các nguồn lực từ đất đai để có phương án sắp xếp hợp lý theo đúng quy định), từ đó có phương án sử dụng hợp lý, tránh lãng phí.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát nguồn lực đất đai của các doanh nghiệp T.Ư trên địa bàn thành phố và xây dựng phương án sử dụng hợp lý, đúng pháp luật, tránh lãng phí, đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; bóc tách làm rõ diện tích đất phục vụ sản xuất, kinh doanh và diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không hiệu quả; đề xuất cho phép thí điểm cơ chế khoán lợi tức và thưởng khi có lợi tức vượt mức khoán cho DNNN.
“Với vị trí là Thủ đô của cả nước, Hà Nội cần có các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công do thành phố giữ 100% vốn điều lệ để phục vụ nhiệm vụ chính trị; vì thế, trước mắt và lâu dài, đề xuất không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp này” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu kiến nghị.
Ngay sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ với các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển KTXH.