Thế nhưng, không dễ để nhận diện Chất và Người Hà Nội, đặc biệt trong thời kỳ biến chuyển với những giằng co văn hóa.
Đã có rất nhiều người trả lời câu hỏi này. Có người khẳng định điều này giữ vai trò quyết định vì muốn xây dựng phẩm chất, cốt cách người Hà Nội thì phải xác định được những ai là cư dân Hà Nội?
Nếu coi những ai đã có ba đời sống ở Hà Nội là người Hà Nội gốc thì số ấy (trong một điều tra năm 2011 ở quận Hoàn Kiếm) chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Ở các quận khác, số này còn nhỏ hơn. Có người lập luận rằng xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh thì cần xác định được ai là người Hà Nội vì những yếu tố thanh lịch và văn minh tiêu biểu cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội là do người Hà Nội tạo dựng nên.
Theo tôi, lập luận này vừa đúng vừa sai lầm. Đúng ở chỗ cư dân Hà Nội gốc có đóng góp rất lớn xây dựng nên cốt cách người kẻ chợ nhưng lại cũng không đúng ở chỗ cốt cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn do cư dân ở các vùng khác mang về Hà Nội, hội tụ và kết tinh qua nhiều đời mà thành rồi trở thành một giá trị tiêu biểu cho đời sống người Hà Nội.
Sự kế thừa, tiếp biến ở đây rất rõ và nếu không thừa nhận điều đó không cắt nghĩa được bản chất của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng đang biến đổi theo không gian và thời gian.
Thêm nữa, và điều này quan trọng hơn, nếu chỉ coi những phẩm chất thanh lịch, văn minh chỉ gắn với những cư dân Hà Nội gốc thuộc khu vực 36 phố phường xưa thì lại là phiến diện vì Hà Nội không chỉ là mấy quận nội thành và nếu căn cứ cả vào địa giới hành chính hiện nay cũng như thành phần dân cư Hà Nội bây giờ thì quan niệm ấy càng không phản ánh đúng thực chất văn hóa Hà Nội.
Cần phải xác định cộng đồng dân cư Hà Nội, cả nội và ngoại thành, cả người Hà Nội gốc và các cư dân nhập cư, trong đó có cả hàng chục nghìn người nước ngoài, đang tạo nên sức sống và thế mạnh cũng như thách thức cho phát triển văn hóa Hà Nội.
Tính cộng sinh, sự đa nguyên về văn hóa của người Hà Nội, văn hóa Hà Nội trong hiện tại và tương lai là điều không cần phải bàn cãi. Không tính tới các yếu tố này sẽ khó đưa ra được những yêu cầu và mục tiêu, nội dung của nhiệm vụ xây dựng con người và phát triển văn hóa cho Hà Nội.
Người Hà Nội hiện nay không chỉ bó hẹp trong không gian 36 phố phường mà ở nhiều quận, huyện và cả sự tụ hội của người dân bốn phương. Nhập cư không có gì xấu, nhiều người Hà Nội cũng đi nơi khác sinh sống.
Người cực đoan luôn luôn đề cao văn hóa Hà Nội, chính là văn hóa ứng xử, điều này cũng dễ hiểu thôi, vì Hà Nội là nơi họ sinh ra và lớn lên, là quê hương của họ. Sự thật là Hà Nội được chọn làm Thủ đô của Việt Nam, nên văn hóa Hà Nội có những khác biệt với các vùng miền khác. Hà Nội cũng tiếp nhận văn minh từ các nhà buôn đến giao dịch ở Thăng Long, rồi văn minh Pháp trước nhiều vùng miền nên họ cũng “tự cho mình cái quyền” văn minh hơn các nơi khác. Tuy nhiên không thể phủ nhận, yêu quá sẽ dẫn đến những so sánh cực đoan...
Hà Nội hiện nay rất khác so với Hà Nội ngày xưa, từ kiến trúc, phố phường, đến diện tích. Tuy nhiên, sự thay đổi đó là do quy luật cuộc sống, nếu không có những thay đổi trên, Hà Nội sẽ không nhộn nhịp và sầm uất như bây giờ. Hà Nội là một thực thể sống, vì thế TP này buộc phải thay đổi.
Không khó để nhận thấy Hà Nội phát triển trong vòng 20 năm qua như thế nào. 20 năm có thể được tính như một thế hệ người Hà Nội ra đời và trưởng thành. Những em nhỏ sinh ra vào năm 1999 đến nay cũng đã tròn 20 tuổi. Ít nhất thì cũng đang học đại học hoặc trường nghề gì đó. Họ là một lớp công dân mới của Thủ đô.
Sự thay đổi toàn diện cả ở vùng lõi của Thủ đô lan ra những vùng lân cận với một tốc độ có thể nói vô cùng mạnh mẽ. Điều đó đòi hỏi một bộ máy lãnh đạo phải có tầm bao quát từ quy hoạch lớn cho đến tỉ mỉ dáng dấp từng ngôi nhà.
Về mặt thẩm mĩ kiến trúc nói chung vẫn giữ được nguyên vẹn hình thái một đô thị cổ trong khu trung tâm với những nét sinh hoạt ngày một được cải thiện, nâng cao. Biểu hiện rõ nhất là sinh hoạt ở những khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm vào ngày cuối tuần. Đã có nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí được tổ chức an toàn, trật tự tạo thành một nếp quen thuộc với người dân thủ đô.
Những hoạt động biểu diễn, triển lãm được quan tâm nhiều đến chất lượng và giao lưu quốc tế hết sức phong phú. Dân phố không khó khăn lắm để đi nghe một buổi hòa nhạc quốc tế, xem một phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật xen kẽ giữa các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.
Có thể nói hoạt động văn hóa văn nghệ ở TP bắt đầu có những biến chuyển ngang tầm với khu vực Asian. Và cũng bắt đầu có những giao lưu mật thiết với nghệ thuật Asian.
Thành phố vì hòa bình là danh hiệu do UNESCO phong tặng Hà Nội. Đương nhiên mục đích của nó là thúc đẩy những hoạt động văn hóa để từ đó xây dựng một xã hội trong lành, văn minh. Tất nhiên còn vài khu vực đô thị mới xung quanh Hà Nội vẫn còn phải tiếp tục xây dựng nhiều hạng mục hơn nữa. Từ cây xanh cho đến diện tích vui chơi thể thao công cộng. Từ phòng triển lãm cho đến nhà hát và những câu lạc bộ văn hóa.