Hội thảo xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại:

Nhận diện rõ cơ sở lý luận, thực tiễn để phát triển văn hoá Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –  Ngày 21/3, Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (cơ quan được UBND TP Hà Nội giao chủ trì, tổ chức Hội thảo) Nguyễn Thị Diễm Hằng về công tác chuẩn bị cũng như những nội dung chính của Hội thảo.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng. Ảnh: Lại Tấn
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng. Ảnh: Lại Tấn

Xin bà cho biết công tác chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” được thực hiện như thế nào?

- Đến nay, công tác chuẩn bị Hội thảo đã hoàn thành, sẵn sàng diễn ra vào ngày mai (21/3). Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của gần 300 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý trên địa bàn Hà Nội. Thành phần tham gia Hội thảo đầy đủ các yếu tố kết cấu nên văn hoá của Hà Nội từ cộng đồng dân cư, nhà khoa học, DN đến các cấp lãnh đạo.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, chúng tôi nhận thấy có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề văn hoá.  Hội thảo nhận được sự quan tâm sát sao của Thường trực Thành uỷ Hà Nội, đặc biệt là Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ngoài ra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhiều lần làm việc với Ban Tổ chức Hội thảo để chỉ đạo các nội dung .

Thưa bà, Hội thảo có ý nghĩa thế nào đối với việc xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại?

- Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện cùng một lúc 3 nhiệm vụ quan trọng, làm nền tảng để phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới gồm: Rà sát, điều chỉnh bổ sung Luật Thủ đô; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến 2050. Cả 2 quy hoạch này và Luật Thủ đô đều cần cơ sở khoa học, thực tiễn để có thể làm căn cứ xây dựng.

Không gian sáng tạo tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.
Không gian sáng tạo tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn.

Chúng ta đã biết, Hà Nội xác định văn hoá là nguồn lực đặc biệt với sự phát triển của Thủ đô. Vì vậy, trong Hội thảo, chúng tôi kỳ vọng sẽ có được cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về vấn đề phát triển văn hoá Hà Nội làm nguồn tư liệu phục vụ cho 3 nội dung kể trên.

Thời gian qua, đã có nhiều Hội thảo, toạ đàm về văn hoá đã diễn ra. Xin bà cho biết, công tác tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” có điểm gì khác biệt?

- Hội thảo “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh - Hiện đại” rất đặc biệt. Thứ nhất, Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đã luôn quan tâm, dành quỹ thời gian lớn để thu được các ý kiến, bài viết của các chuyên gia chất lượng.

Thứ hai, cách tổ chức Hội thảo đã tăng cường tính bàn luận. Hội thảo đã xác định 4 nội dung lớn – là những vấn đề căn cốt trong phát triển của văn hoá. Với mỗi một bài trình bày sẽ có 1 – 2 ý kiến phản biện để thảo luận thêm, làm phong phú hơn bài trình bày.

Thứ ba, ngoài những nội dung bàn luận, thảo luận trong Hội thảo, Ban Tổ chức có không gian văn hoá để các chuyên gia văn hoá, người tham gia Hội thảo trải nghiệm. Đó là một vài minh chứng cho thấy văn hoá Hà Nội rất đặc sắc.

Vở diễn "Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội mở màn Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V. Ảnh: Lại Tấn
Vở diễn "Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội mở màn Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V. Ảnh: Lại Tấn

Thưa bà, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tham gia vào công tác tổ chức Hội thảo như thế nào?

- Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao là cơ quan chủ trì, tổ chức Hội thảo. Đồng thời, Viện chịu trách nhiệm chính trong lên danh sách chuyên gia viết bài, đánh giá, biên tập.

Viện đã thành lập Ban Biên tập gồm các giáo sư đầu ngành như GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các Giáo sư trong Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn… để giúp cho kỷ yếu Hội thảo tốt hơn.

Xin cảm ơn bà!

 

Ban Tổ chức Hội thảo đã xác định 4 nội dung lớn, tập trung nhiều bài tham luận chất lượng để thảo luận gồm:

Thứ nhất, văn hoá Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”: Phân tích, làm rõ giá trị, đặc điểm của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nhấn mạnh văn hoá văn minh, thanh lịch người Hà Nội; nội hàm “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Thứ hai, nguồn lực văn hoá Thăng Long – Hà Nội: Nhận diện các nguồn lực văn hoá của Thủ đô; trong đó bao gồm các nguồn vốn xã hội, các vấn đề về con người Hà Nội.

Thứ ba, Hà Nội – Thủ đô di sản, TP sáng tạo, khát vọng phát triển: Đánh giá các giá trị và giải pháp để bảo tồn phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản; đặc biệt thông qua việc phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Thứ tư, các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”: Vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá, một số vấn đề cụ thể cần ưu tiên tập trung trong huy động giá trị và nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô (các công trình văn hóa, quy hoạch, kiến trúc, thiết chế văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, tác phẩm nghệ thuật).