Nhận diện thế mạnh di sản văn hoá Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 23/11, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm và tọa đàm nhân dịp Ngày Di sản văn hoá Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các ý kiến của các nhà khoa học, đại diện đơn vị quản lý di sản đã nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của di sản văn hoá Thủ đô. Đồng thời, các đại biểu đã khẳng định, Hà Nội là nơi hội tụ không chỉ về số lượng di sản văn hoá mà đó còn là nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hoá Thủ đô.

Đến dự buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã tặng hoa, chúc mừng PGS. TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam – đại diện các nhà khoa học, đơn vị quản lý di sản cả nước nhân dịp Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11).

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã tặng hoa, chúc mừng PGS. TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam. Ảnh: Minh An.

Thế mạnh di sản văn hoá Thủ đô

76 năm trước, ngày 23/11/1945, một trong những Sắc lệnh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (Sắc lệnh số 65) do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về việc bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Sắc lệnh đã nhấn mạnh việc bảo tồn di sản là cần thiết trong công cuộc đổi mới đất nước; là trách nhiệm của toàn xã hội và nghiêm cấm mọi hành vi phá hoại, vi phảm di sản văn hoá.

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh: “Sắc lệnh số 65 luôn là kim chỉ nam, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá. Chính vì vậy, ngày 23/11/2005, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hoá Việt Nam. Năm 2021, ngày Di sản văn hoá Việt Nam còn diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói nổi tiếng “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.
 Các đại biểu chia sẻ tại buổi toạ đàm. Ảnh: Minh An.

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 40.000 di tích được kiểm kê, hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có cả di sản văn hoá thế giới, di sản văn hoá đại diện cho nhân loại, di sản tư liệu thế giới. Theo các nhà khoa học, đó là niềm tự hào cho Thủ đô, cũng là thế mạnh của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cũng chia sẻ: “Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn, chưa có tiền lệ do dịch bệnh Covid-19. Mọi ngành nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Thủ đô đều bị ảnh hưởng nặng nề. Song, lĩnh vực Di sản Văn hoá Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo sự an toàn tại các cơ quan, công sở của ngành, các điểm di tích, di sản, đổi mới tổ chức nhiều hình thức bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Trong đó nổi bật là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội; tổ chức các chương trình, tọa đàm khi dịch bệnh bớt căng thẳng như: Tọa đàm “Xây dụng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch thời kỳ hậu Covid-19 tại các bản tàng, di tích ở Hà Nội”, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”, chương trình “Tuần lễ Thiết kế Việt Nam... vẫn được thực hiện đúng quy định và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Phát huy sức mạnh mềm

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến của chuyên gia văn hoá, di sản đều khẳng định bề dày di sản văn hoá của Thủ đô suốt chiều dài hơn 1.000 năm lịch sử. Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam Lê Thị Minh Lý chia sẻ: “Di sản văn hoá của Hà Nội đã có từ lâu đời. Cha ông chúng ta đã khai thác giá trị di sản để làm nên 36 phố phường Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội có cả những di sản văn hoá lẩn khuất lâu nay như các di sản đô thị như nhà máy, khu công nghiệp và nhiều di sản ký ức phong phú”.
 Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Minh Lý cũng bày tỏ, bề dày di sản văn hoá là “vốn liếng” của Thủ đô nhưng để phát huy, các cơ quan quản lý, đơn vị làm di sản cần nhận diện thế mạnh, đầu tư có trọng tâm. Bà Lê Thị Minh Lý đề xuất, Hà Nội nên tập trung nguồn lực vào đào tạo con người, giáo dục văn hoá cho thế hệ trẻ, để thế hệ sau này có thể sáng tạo, tiêu thụ các sản phẩm văn hoá và đưa các sản phẩm văn hoá ra thế giới; Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản; Xây dựng quỹ bảo vệ, phát triển văn hoá Thủ đô.

Trong bổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “Ngày mai, chúng ta có sự kiện vô cùng quan trọng đối với văn hoá nước nhà là Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021. Chúng ta hi vọng, sau hội nghị sẽ có thêm nhận thức, quyết tâm, hành động cụ thể để phát triển văn hoá, trong đó lĩnh vực di sản văn hoá”.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiều quan điểm, kế hoạch hành động để đột phá trong lĩnh văn hoá. Trong đó, chúng ta nhấn mạnh văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; mong muốn sử dụng sức mạnh mềm của văn hoá để tạo ra khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Sức mạnh mềm bây giờ không chỉ là tinh thần, câu chuyện về giá trị đạo đức mà còn tạo ra giá trị kinh tế”.

Trên nền tảng những quyết sách về văn hoá tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, các nhà khoa học kỳ vọng, Hà Nội sẽ khai thác hiệu quả sức mạnh mềm để xây dựng Thủ đô ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần