Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận diện thương mại điện tử Việt Nam 9 tháng đầu năm

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227.7 nghìn tỷ đồng, tăng 37.66% so với cùng kỳ 2023.

Temu với lợi thế giá, thời gian đưa hàng đang hướng tới thị trường Việt Nam. Ảnh CNN
Temu với lợi thế giá, thời gian đưa hàng đang hướng tới thị trường Việt Nam. Ảnh CNN

5 sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop đã có đối thủ cạnh tranh khi các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobo, Temu xuất hiện.

Theo Metric, người tiêu dùng Việt Nam chi 9,5 tỷ đô mua sắm trên 5 sàn thương mại điện tử trong 9 tháng đầu năm, với trên 2.400 sản phẩm được giao dịch thành công. Riêng quý III đã đóng góp 84,75 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 18,15% so với quý liền kề, khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này.

Đối thủ cạnh tranh

App TMĐT 1688, phiên bản dành cho iOS hiện đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Các trang giới thiệu, đăng nhập hay gợi ý chủ đề được chuyển ngữ để dễ sử dụng. Trước đó, app này chỉ có bản tiếng Trung, không có cả lựa chọn tiếng Anh. Riêng người dùng Việt Nam còn nhìn thấy các quảng cáo liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp, thanh toán quốc tế và vận chuyển nhanh, không qua trung gian. Đây là dấu hiệu cho thấy nền tảng nhắm đến thị trường Việt Nam trong tương lai gần.

Taobao cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Ảnh chụp màn hình
Taobao cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Ảnh chụp màn hình

Từ tháng 8, Taobao - nền tảng TMĐT của Alibaba - cũng đã cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Chương trình này mới áp dụng cho người dùng tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macao. Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.

Temu được gọi là nền tảng mua sắm giảm giá quốc tế, thuộc sở hữu của PDD Holdings. Sau khi ra mắt tại Philippines và Malaysia từ năm ngoái, Temu đã chính thức bắt đầu giao hàng tại Thái Lan vào tháng 07/2024 và xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 10, trang web Temu Việt Nam chỉ mới có ngôn ngữ tiếng Anh. Họ đang bổ sung tiếng Việt tại trang web Temu Việt Nam cũng như ứng dụng Temu trên điện thoại. Temu hiện đang hoạt động tại tổng cộng 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, nền tảng này vẫn chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không phải ví điện tử địa phương) và chưa cho phép người dùng Việt Nam thanh toán khi nhận hàng. Chỉ có hai đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần (Ninja Van và Best Express) được kết nối.

Trong đó, Ninja Van là một nhà cung cấp dịch vụ logistics (3PL) có 100% phủ sóng trên tất cả các quốc gia tại Đông Nam Á. Tập đoàn BEST Inc. được thành lập vào năm 2007, là nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng thông minh cùng dịch vụ logistics hàng đầu tại Trung Quốc và Đông Nam Á.

Giá hàng rẻ, tốc độ đưa hàng nhanh đang là những thế mạnh của các sàn TMĐT Trung Quốc, thách thức với các công ty kinh doanh TMĐT của Việt Nam.

Cuộc đua "song mã" Tiktok Shop & Shopee. Ảnh AP
Cuộc đua "song mã" Tiktok Shop & Shopee. Ảnh AP

 Tiktok Shop & Shopee dẫn đầu

Tiktok Shop & Shopee lần lượt tăng trưởng 110,6% - 11,3% về doanh số so với cùng kỳ 2023 và 34,7% - 16,7% so với quý liền kề. Tiki mặc dù vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, nhưng đã có khởi sắc hơn so với quý trước liền kề, tăng trưởng 38% về doanh số. Đặt tăng trưởng này vào bối cảnh phía Bắc vừa chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 3 mới thấy rõ hơn về sức mua của thị trường.

Trong quý III/2024 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng Shop Mall (cửa hàng chính hãng), điều này đồng nghĩa người Việt không chỉ quan tâm nhiều đến giá rẻ mà luôn tìm địa chỉ tin cậy. Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng số shop phát sinh đơn hàng, nhưng Shop Mall đóng góp gần 1/3 tổng doanh số của toàn thị trường, với mức tăng 53,11% so với cùng kỳ 2023.

Người tiêu dùng không chỉ ưu tiên các sản phẩm chính hãng và chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm có giá thành cao - phản ánh xu hướng dịch chuyển tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam. Hiện các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với năm ngoái.

Đặc biệt, phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 đến 200.000 đồng tăng thêm 4%. Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động.

Ngành hàng Làm đẹp tiếp tục giữ vị thế quan trọng khi sở hữu doanh số 15,508 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần doanh số trong quý. Ảnh Metric
Ngành hàng Làm đẹp tiếp tục giữ vị thế quan trọng khi sở hữu doanh số 15,508 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần doanh số trong quý. Ảnh Metric

Nếu xét về phân bổ địa lý, các kho hàng tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ổn định về cả doanh số và sản lượng. Trong khi đó, các kho tại Hà Nội lại ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về doanh số, dù sản lượng tăng. Đặc biệt, hai khu vực Hưng Yên và Đà Nẵng với mức tăng trưởng doanh số và sản lượng đều vượt 30% so với cùng kỳ năm ngoái, là những tín hiệu đáng mừng. Sự phát triển này phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của các trung tâm kho vận ngoài các thành phố lớn trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.

Các ngành hàng chủ chốt như Làm đẹp, Giày dép nam, Bách hóa – Thực phẩm, và Phụ kiện thời trang tiếp tục được ưa chuộng trên các sàn TMĐT. Số liệu từ Metric cho thấy, ngành hàng Làm đẹp tiếp tục giữ vị thế quan trọng khi sở hữu doanh số 15,508 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần doanh số trong quý, tăng 26.58% so với cùng kỳ năm ngoái.