Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhận được cuộc gọi “dọa” khóa thuê bao, Bộ Công an khuyến cáo gì?

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đoạn chung của nhóm tội phạm này là mạo danh nhân viên nhà mạng thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo đến nhiều người dân thông báo thuê bao sắp bị khóa, yêu cầu nâng cấp, bổ sung thông tin cá nhân.

Ngày 18/3, Bộ Công an khuyến cáo, các đối tượng xấu đã giả danh nhà mạng để “dọa” khóa sim, đánh cắp thông tin người dùng hoặc chiếm đoạt số điện thoại để dùng vào mục đích xấu.

Sau ngày 31/3, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa, thậm chí bị dừng hợp đồng nếu không chuẩn hóa thông tin. Những trường hợp thuộc diện cần chuẩn hóa thông tin sẽ được nhà mạng gửi tin nhắn mỗi ngày 1 lần, trong 5 ngày liên tiếp để nhắc nhở.

Khuyến cáo của Bộ Công an về thủ đoạn lừa đảo "dọa" khóa sim.
Khuyến cáo của Bộ Công an về thủ đoạn lừa đảo "dọa" khóa sim.

Trước động thái này, tội phạm mạo danh nhà mạng hỗ trợ thuê bao bắt đầu “nở rộ”. Thủ đoạn chung của nhóm tội phạm này là mạo danh nhân viên nhà mạng thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo đến nhiều người dân trong cả nước và thông báo thuê bao sắp bị khóa, yêu cầu nâng cấp, bổ sung thông tin cá nhân.

Từ đó, kẻ xấu lừa chiếm đoạt sim điện thoại di động của người dân rồi chiếm tài khoản ngân hàng, ví điện tử để chiếm đoạt tài sản. Hoặc, tội phạm lừa đánh cắp thông tin cá nhân của người dân để phục vụ vào các mục đích xấu khác.

Về vấn nạn này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, đề phòng các cuộc gọi từ số lạ, “dọa” khóa thuê bao.

Ngoài ra, nếu nhận được các tin nhắn giả danh các nhà mạng, người dân không ấn vào đường link yêu cầu cập nhật thông tin.

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, người dân cần chủ động kiểm tra lại thông tin thuê bao đã chính chủ hay chưa theo cú pháp “TTTB gửi 1414”, áp dụng cho tất cả các nhà mạng.

Nếu sim chưa chính chủ, người dân cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng, hoặc dùng ứng dụng của nhà mạng để cập nhật thông tin.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các cuộc gọi hỗ trợ chuyển đổi sim chính chủ, hay ấn vào đường link tin nhắn giả mạo.