Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhãn được mùa, mất giá

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này các vựa nhãn ở khu vực phía Bắc đã bước vào vụ thu hoạch chính. Vụ nhãn năm nay được đánh giá là được mùa song giá lại đang thấp kỷ lục, khiến người nông dân không khỏi lo lắng.

 Ảnh minh họa
Qua khảo sát trên thị trường, nhãn đang được bày bán khá nhiều với các giống nhãn như Hương Chi, nhãn xuồng vàng, da bò, nhãn nước (nhãn thóc)… Khác với mọi năm, tuy mới đầu mùa nhưng nhãn đã rớt giá mạnh. Hiện giá nhãn bán tại chợ dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, thậm chí một số loại nhãn nước có giá chỉ 5.000 đồng/kg.
Là một trong những vựa nhãn lớn và nổi tiếng nhất miền Bắc, theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 4.500 hecta trồng nhãn. Năm nay nhãn được mùa, sản lượng dự kiến của toàn tỉnh đạt 50.000 tấn. Nếu như năm trước giá nhãn xuất tại vườn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg thì thời điểm này các thương lái chỉ thu mua với giá từ 7.000 – 10.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp ở thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh, Ân Thi (Hưng Yên) cho hay, gia đình chị hiện trồng 300 cây nhãn giống Hương Chi. Dự kiến năm nay thu khoảng 6 tấn. Hiện giá nhãn xuất tại vườn chỉ được 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Hà Nội giá nhãn cũng giảm mạnh. Hộ anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Tiên Mai, Hương Sơn (Mỹ Đức) năm nay dự tính thu khoảng 3 tấn quả. Nếu bán với mức giá năm trước gia đình anh dự tính thu về gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay thương lái chỉ mua vo cả vườn với giá 20 triệu đồng. “Với mức giá này thì người trồng nhãn không có chút công nào. Gia đình tôi vẫn phải bán vì giống nhãn để quá ngày sẽ bị nứt, thối hỏng và chất lượng không bảo đảm nữa” – anh Hùng bày tỏ.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến nhãn mất giá, chị Nguyễn Thị Thu, lái buôn chuyên thu mua nhãn tại các vườn ở Hà Nội cho biết: Nhờ trồng các giống nhãn mới và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng nhãn ngày càng được nâng cao. Đặc biệt mấy năm gần đây các địa phương đều mở rộng diện tích trồng nhãn. Nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính khiến giá nhãn giảm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc bán lẻ và xuất khẩu nhãn gặp khó khăn. Do đó, các địa phương và các ban, ngành liên quan cần chủ động triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tập trung hơn về mảng chế biến sâu.