Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018): Người lãnh tụ giản dị, khiêm nhường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, nhiều hoạt động đã được tổ chức để tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay tiếp tục noi theo tấm gương mẫu mực về lối sống giản dị, tiết kiệm của vị Chủ tịch nước luôn hết lòng vì nước, vì dân.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội, năm 1976.
Tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng
Theo các tư liệu lịch sử, Chủ tịch Tôn Đức Thắng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh An Giang. Năm 1912, khi mới 24 tuổi, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao nhưng rất vinh quang. Là người có uy tín lớn trong Đảng, trong Nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhiệm qua nhiều chức vụ, đặc biệt, ông là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 27 năm liên tục, ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và MTTQ Việt Nam, là Ủy viên T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, III, IV cho đến khi qua đời (ngày 30/3/1980).

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhà chính trị kiên định, nhà tổ chức tài năng, có những đóng góp quý giá về lý luận, làm sáng tỏ và phong phú hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cả cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng cho cách mạng, từ trong lao tù cho đến khi được hoạt động lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng vẫn một dạ sắt son, đấu tranh và phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho độc lập và tự do của đất nước. Với lối sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, ghét xu nịnh, bè phái, chia rẽ, cơ hội chủ nghĩa, không tham quyền cố vị, chí công vô tư, vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà phấn đấu, hy sinh, đã tạo nên huyền thoại Tôn Đức Thắng, tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng noi theo.

Hình mẫu về đạo đức cách mạng

Tại cuộc hội thảo “Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam” vừa được tổ chức, các nhà nghiên cứu, các nhà lịch sử cũng đã chỉ rõ, Bác Tôn là một nhà cách mạng với phẩm chất đạo đức sáng ngời, luôn chuyên cần, siêng năng, chăm chỉ, sống cuộc đời bình dị, đạm bạc, thanh cao, luôn giữ lòng thanh liêm, chính trực, trong sáng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu phong trào công nhân, người đã thành lập Công hội bí mật - tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, sự độc đáo trong lựa chọn lý tưởng của Bác Tôn chính là chọn con đường vô sản hóa, con đường làm một người thợ. Chính con đường này đã giúp Bác Tôn hòa nhập, vận động, tập hợp, khơi dậy sức mạnh của công nhân chống lại tư bản bóc lột thông qua những cuộc bãi công, bãi khóa mà nổi bật là lãnh đạo công nhân Ba Son bãi công, giam chân tàu chiến Michilet vào tháng 8/1925.
Sự thắng lợi của cuộc đấu tranh mang tính chất chính trị nhằm đòi những yêu sách kinh tế đã thành công, buộc giới chủ phải tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%, phải gọi những người thợ bị đuổi việc trong các cuộc đình công trước đây trở lại làm việc và ngày lĩnh lương phải cho nghỉ trước nửa giờ như thường lệ. Cuộc đấu tranh mở đầu cho một giai đoạn mới đánh dấu giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ đấu tranh tự phát lên đấu tranh tự giác.

“Chính sự mở đầu này đã giúp Bác Tôn đi đến lý tưởng, con đường cứu nước. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã bắt đầu từ trái tim người thanh niên giàu nhiệt huyết yêu nước - trở thành người công nhân yêu nước - đến người công nhân quốc tế - rồi công nhân cách mạng - và thành người chiến sĩ cộng sản. Con đường tự nhiên ấy hình thành đúng quy luật vận động của cách mạng Việt Nam” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Qua nghiên cứu, GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cũng chia sẻ về sự giản dị, khiêm nhường của Bác Tôn. Dù là Chủ tịch nước, nhưng bao giờ Bác Tôn cũng nghĩ mình là người thực thi quyền lực của Nhân dân. “Bác Tôn từng nói từ Bác chỉ dành riêng cho Bác Hồ thôi, các đồng chí hãy gọi tôi là đồng chí. Bác Tôn cũng ít khi dùng ô tô, từ chối được cấp nhà, đất. Trong nhà thì có bộ đồ nghề, ai mượn cũng được. Thậm chí Bác còn tự tay sửa xe cho mình và anh em khác” - GS.TS Hoàng Chí Bảo nói. Đồng thời nhận định, đây chính là điều chúng ta cần soi rọi, thực hành trong ngày nay để giữ vững niềm tin của Nhân dân cũng như góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Chính sự nói ít, làm nhiều đã nói lên tư tưởng của vị Chủ tịch nước hết lòng vì nước, vì dân ấy.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ, đương thời, Bác Hồ đã từng khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một hình mẫu về đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.