Để phát huy hiệu quả mang lại, nhiều ý kiến cho rằng quy mô cuộc thi cần tiếp tục nâng cao.
Góp phần thay đổi tư duy
Chị Lê Hoàng Minh Nguyệt (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông), phụ huynh của tác giả Nguyễn Nguyệt Linh (14 tuổi, thuộc nhóm Hà Nội xanh) cho biết, hai mẹ con rất vui khi biết được tác phẩm của con gái nhận được sự quan tâm của người lớn, trong đó có rất nhiều chuyên gia, phóng viên, nhà báo gạo cội chuyên về mảng môi trường. Đặc biệt hơn, bài viết của nhóm tác giả nhỏ tuổi còn được Ban Tổ chức quan tâm và khen thưởng.
“Tuy còn non nớt, nội dung bài tham dự còn đơn giản, nhưng tác phẩm được viết ra bằng tâm tư thật thà, xuất phát từ đúng những suy nghĩ của các con đối với môi trường đang sống. Được tham gia chia sẻ, truyền tải thông điệp của mình qua một sân chơi lớn như cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội" năm 2022 có thể nói là sự động viên lớn lao đối với cá nhân, tập thể nhóm Hà Nội xanh” - chị Lê Hoàng Minh Nguyệt cho biết.
Vượt trên giá trị giải thưởng, việc được ghi nhận tại Cuộc thi còn là động lực thúc đẩy cho các em tiếp tục tham gia nhiệt tình hơn với các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo nên sức lan tỏa mạnh hơn, để cùng bạn bè đồng trang lứa xây dựng nên một thế hệ công dân Thủ đô trẻ được trang bị đầy đủ hành trang, kiến thức và tư duy về bảo vệ môi trường xanh, sạch, văn minh ngay từ trong tiềm thức.
“Trong tương lai, các con dù có thể trở thành chính trị gia, học giả, công nhân, kỹ sư hay nhà hoạt động xã hội nhưng ở vai trò, vị trí nào trong xã hội thì trách nhiệm bảo vệ môi trường là như nhau. Chính vì vậy, khi được lan tỏa qua Cuộc thi, chắc chắn những mô hình tương tự như nhóm Hà Nội xanh sẽ được nhân lên rất nhiều lần” - chị Lê Hoàng Minh Nguyệt nói thêm.
Là một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, chính cách truyền tải gần gũi, sinh động, dễ hiểu đã tạo nên tính công chúng cho Cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội".
“Thực tế, có những bài viết khoa học có tính chất chuyên sâu, được đăng tải ở các tạp chí quốc tế nhưng lại kén người đọc. Bởi vậy, qua các phương pháp diễn đạt bình dân được minh họa rõ nét theo tiêu chí đề ra, các tác phẩm trong Cuộc thi đã làm sống dậy những số liệu tưởng như khô khan trên giấy tờ” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định.
Đẩy mạnh thành chương trình hành động
Có những nhận định, đánh giá cao về giá trị nhân văn do các cuộc thi nói chung, Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội” nói riêng mang lại nhưng GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, bên cạnh việc duy trì thường niên, nếu mô hình cuộc thi được nâng lên thành chương trình hành động, dự án môi trường sẽ mang về thêm nhiều quả ngọt. Trong đó, có thể đánh giá và đưa vào thực tiễn những giải pháp được chia sẻ thông qua tư tưởng của các bài viết được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.
“Để làm được điều này, chúng ta cần sự nỗ lực chung tay của các cơ quan chức năng TP, các sở, ngành chuyên môn cùng Ban Tổ chức xây dựng lộ trình, đưa ra các sáng kiến, giải pháp và cùng các tầng lớp người dân thực hiện. Qua đó, thu hút được hết giá trị nội lực thực tế, có thêm sự tham gia của nhiều chuyên gia, DN cũng như các tổ chức xã hội” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ phân tích.
Tương tự, chị Lê Hoàng Minh Nguyệt cho rằng, việc thực hiện các chương trình lớn hơn cả về quy mô, thời gian bằng hoạt động thực tế sẽ giúp công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao, góp phần cùng TP thực hiện đẩy nhanh các chương trình như trồng 1 tỷ cây xanh, cải thiện chất lượng không khí, quản lý rác thải, giảm rác thải nhựa, sống xanh…
Trong báo cáo kết quả Cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội" lần thứ II, căn cứ vào tính cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP, Ban Tổ chức cũng đã đề xuất lãnh đạo TP Hà Nội nâng cấp Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội” thành “Chương trình truyền thông vì môi trường Thủ đô”. Đồng thời đề xuất tăng kinh phí ngân sách cho chương trình để triển khai được nhiều hoạt động truyền thông, tạo thêm hiệu ứng trong cộng đồng.
Có thể nói, cuộc thi đã tổng hòa các hệ tư duy vốn khác biệt để tạo nên bức tranh chung trong các hoạt động bảo vệ môi trường Hà Nội, với mọi tầng lớp xã hội, mang lại những góc nhìn, tiếng nói rất mới lạ, khiến người thuộc ngành nghề này có sự thấu hiểu hơn với ngành nghề khác. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét, làm sao để áp dụng bằng hành động thực tế, nhân rộng các sáng kiến, giải pháp, mô hình nhằm tránh lãng phí nguồn lực chấm xám dồi dào. Trong đó, tôi ủng hộ phương án đề xuất nâng cấp quy mô cuộc thi.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường - GS.TS Hoàng Xuân Cơ