Tròn đúng 1 tháng, kênh truyền hình mới đóng máy đúng giờ, 17 giờ 5 phút đã có thể báo cáo sếp duyệt. 10 phút 12 giây, tin tức ta và tây đủ hết, phóng sự trả bảo hiểm thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Hà Nội của cô em út Lệ Giang đầy đặt, ảnh sáng. Tưởng là ngon, nhưng đến 18 giờ 6 phút sếp bỗng gọi đề nghị thêm tin giờ chót 9 ca lây nhiễm Covid tại Việt Nam, nhưng bó tay. Hóa ra khâu chạy chữ mãi vẫn không xong, mấy em MC xinh như mộng thì đã về cơm nước gia đình, đành chịu.
Thời internet bùng nổ, xu thế “truyền hình nhân dân” nở rộ như nấm sau mưa. Không kể cá nhân thì ngay cả các báo địa phương và Trung ương cũng làm truyền hình internet, như An ninh Thủ đô, Nghệ An cũng kiếm bộn tiền thông qua YouTube.
Những phút căng thẳng trong phòng dựng. Ảnh AT |
Vừa hành quân, vừa sắp hàng
Không “đu trend”, nhưng Ban Biên tập Kinh tế & Đô thị cũng thấy được lợi thế về sức mạnh hình ảnh, độ phủ sóng và giải quyết các vấn đề nóng của truyền hình internet. Bàn thì có nhưng lùi thì không, Tổng Biên tập quyết định lấy ngày 18/5 để phát số đầu tiên, một cái quyết định thành lập nhân sự với 15 con người. Đã từng làm truyền hình có “gã đầu bạc” đến từ VTC và “chị Đẹp” có thâm niên gần 20 năm tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
Tinh thần “vừa hành quân, vừa sắp hàng” chỉ 2 cuộc họp là truyền hình internet Kinh tế & Đô thị lên xong khung nội dung và enter. Ngay cả buổi khai trương cũng chậm mất độ 1 giờ, bởi gần đến giờ chiếc máy dựng duy nhất đơ cứng, 2 ông hậu kỳ toát mồ hôi hột vì lo. Hậu kỳ Văn Trọng phải xin phép xuống gác làm điếu thuốc để lấy lại bĩnh tĩnh, có quay phim Duy Khánh có lần “đứng hình 10s” vì bị sếp chiếu tướng góc quay chưa đạt.
Thường thì để chạy 1 chương trình, phải test kỹ thuật cả tháng rồi mới tiến hành ra mắt. Đây thì Ban Biên tập quyết định vừa đảm bảo tin nóng, lại vừa test kỹ thuật, nghe chuyện TS Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cười: “Các ông dân báo giấy làm truyền hình mới liều như thế”. Xoay trở 2 tuần đầu, chả lúc nào phát được đúng giờ, sếp cười: “Bản tin 20 giờ, phát lúc 22 giờ, chỉ có ta mới làm được thế”. Sếp mời bạn bè, chờ bản tin xuất bản, ngồi mãi, mà chả thấy đâu… vì chưa dựng kịp, đúng là xui.
Dân làm nội dung cũng phờ phạc, rút tin ra rồi đẩy tin mới vào, xoay như chong chóng, thường thì mãi ngoài 21 giờ mới xong, về nằm thẳng cẳng đến sáng, lại đến tòa soạn lo cho buổi phát hình hôm sau. Anh em cũng hăng, giữa trưa kéo nhau ra ngoài đường, làm phát tin nắng nóng 3 phút những cảnh vi phạm ngoài đường. Tối về, chờ mãi đoạn hay nhất khi phỏng vấn CSGT thì không thấy tiếng đâu cả, hóa ra dùng điện thoại ghi âm, khi test phòng thu, thì có tiếng nhưng khi phát thì không.
Phóng viên ''chiến trường Trần Long'' tác nghiệp. Ảnh Duy Khánh |
Có hôm đến đoạn thời sự, biên tập viên lên hình giọng ỉu xìu. Ngồi mãi 1 lúc mới nhớ thiếu thiết bị thu âm chuyên ngành nên đọc chìm thì rõ, đọc nổi thì lại chìm. Nhóm MC có 5 người, việc ghép ai đi với ai cho khỏi lạc tông cũng cả một vấn đề. Rồi đánh phấn, bôi son, quần áo như thế nào để lên hình luôn là một vấn đề bàn cái đầu buổi. MC Hồng Hà từ ngày lên sóng thì ngày ngày chồng lo lắng đưa đón “người của công chúng”, nhiều hôm trục trặc ngồi uống gần 200.000 đồng tiền café mà không dám kêu lấy 1 câu.
Dễ mà khó
Các sếp ra đầu bài rất dễ: “Chúng tôi chỉ duyệt với tư cách là người xem truyền hình, chứ không phải lãnh đạo báo đâu nhé”. Nghe thì tưởng dễ. Nhưng chuyện báo chí nói chung và truyền hình nói riêng làm thế nào để phát hiện cái gu của bạn đọc mới là chuyện khó. Với đúng tinh thần, vừa làm vừa sửa, sai đâu sửa đến… đầu tiên là phải dám nghĩ, dám làm. Thế là biên tập viên và quay phim xông đến trường học, đề tài là các cháu ăn uống gì sau giãn cách xã hội. Nhóm thì làm 1 phút phóng sự các bất cập giao thông tại các điểm nóng.
Để test thử các khả năng và giới hạn của mình, anh em tìm đến phỏng vấn ông Akira Watanabe - Tổng Giám đốc Công ty NTT Data Việt Nam. Ông tổng giám đốc người Nhật khá vui vẻ, cuối buổi cứ kỳ kèo nhóm phóng viên ở lại uống bia hơi cùng mình. Về nhà đọc thêm tài liệu mới biết bên Nhật, NTT là tập đoàn số 1 của xứ sở mặt trời này, còn phạm vi toàn cầu, họ đứng thứ 8.
Phóng viên Thủy Tiên tác nghiệp tại đại hội cơ sở. Ảnh Duy Khánh |
Thấy việc phá dỡ tại số 8 Lê Trực (Ba Đình) là điểm nóng, chỉ 1 đêm liên hệ, sáng mai bà chị cứng nhất tổ có mặt trên tầng 18 của tòa nhà. Bà con khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa) phản ánh đường dây nóng về 1 cây to chết khô, đe dọa đến trẻ em đá bóng, máy lên đường và phường Trung Tự có mặt, chỉ 2 giờ đồng hồ là mọi việc đâu vào đấy. Biên tập viên Hoàng Hiệp, khi TP đã lên đường theo chân tổ cảnh sát đặc biệt 140 của quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong khi đó Trần Long là “phóng viên chiến trường” đúng nghĩa.
Niềm vui nghề nghiệp
Là “em út” trong “gia đình” Kinh tế & Đô thị nên được 7 “anh chị em” đi trước quan tâm, dìu dắt. Sáng nào, “đàn anh” cũng đem bản tin tối qua ra mổ xẻ, khen chê thật lòng. Văn phòng TP Hồ Chí Minh làm ngay mấy vấn đề nóng, nào là giao thông, rồi cây cối trong trường học, đầu Đà Nẵng thì có những clip sống động nhất về cuộc vây bắt Triệu Quân Sự trên đèo Hải Vân. Nhưng vấn đề nóng nhất cung lĩnh vực đô thị, Ban Đô thị của báo đã cùng anh em truyền hình “lên sóng”.
Hoàng Hiệp đã bám theo các hoạt động của tổ cảnh sát đặc biệt 140. Ảnh Duy Khánh. |
Anh em vất vả, nhưng sếp cũng “vạ lây”, có những bản tin khi lên duyệt, máy dựng cả ngày nóng ran, tắt phụt ngồi chờ 30 phút không xong. Sếp đi ăn chống đói về, màn hình vẫn tối thui...
30 ngày là 26 buổi phát hình, nội dung hay có, dở có nhưng không có một chương trình nào bị “đứng hình”. Những phóng sự đường phố ngày một nhiều hơn và đã dần đi vào cuộc sống của người dân. Buổi mừng “chẵn tháng”, các sếp Ban biên tập mới thủng thỉnh: “Vui đi, tháng qua là Ban biên tập thả cho các anh, chị tự bơi, chìm nổi kệ, tuần tới chúng tôi mới ra tay chấn chỉnh lại nội dung”. Tự dưng bớt lo và thấy vui.
Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt, anh em truyền hình đã vượt qua giai đoạn khó nhất của việc khai phá cho một ấn phẩm mới của tờ báo đã 22 năm tuổi đời. Chúng tôi đã từng làm truyền hình như thế!