Suy thoái đất làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu
Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán viết tắt là WDCDD được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc công bố ngày 30/1/1995 trong Nghị quyết A/RES/49/115. Trong nhiều năm qua, mục tiêu Ban Thư ký Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp quốc (UNCCD) đặt trọng tâm là cải tạo, phục hồi đất bị suy thoái.
Phục hồi diện tích đất kém chất lượng mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và an ninh lương thực. Đồng thời, đây cũng là động lực cho việc phục hồi đa dạng sinh học, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển đang làm nóng trái đất, giảm tốc độ biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, UNCCD cảnh báo, thoái hóa đất sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 23.000 tỷ USD vào năm 2050 nếu như tình trạng sử dụng vẫn diễn tiến như hiện nay. Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta áp dụng những biện pháp khẩn cấp để chặn đứng khuynh hướng đi xuống của đất trồng thì thiệt hại sẽ giảm còn khoảng 4.600 tỷ USD.
Thư ký điều hành UNCCD Monique Barbut cảnh báo: “Khi diện tích đất trồng trọt màu mỡ ngày một ít đi và dân số thế giới tăng lên thì va chạm cũng tăng theo trên khắp thế giới”. Nhiều thách thức cũng nảy sinh từ tình trạng này như vấn đề việc làm, di cư cũng như đa dạng sinh học.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện nay, trên toàn cầu, 1/5 diện tích đất (hơn 2 tỷ hecta) bị suy thoái, bao gồm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Nếu con người không thay đổi cách quản lý đất, hơn 90% có thể bị thoái hóa vào năm 2050. Suy thoái đất tác động tiêu cực đến 1/5 diện tích đất trên hành tinh và sinh kế của 3,2 tỷ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu.
Suy thoái đất làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và giảm đa dạng sinh học, đồng thời góp phần gây ra hạn hán, cháy rừng, di cư không tự nguyện và sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm từ động vật.
Phủ xanh đô thị có tính chất lan toả lớn
Nói rõ hơn về tình trạng sa mạc hóa tại Việt Nam hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Suy thoái đất canh tác ở nước ta được phân chia thành bốn mức độ: Nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái khoảng 6,7 triệu hecta; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái khoảng 2,4 triệu hecta; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái khoảng 1,3 triệu hecta. Mức độ cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo, chỉ chiếm diện tích ít ỏi, dưới vài nghìn hecta.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, Việt Nam đã có những thành tựu rất lớn từ việc chống sa mạc hóa hiện nay. Từ tỷ lệ che phủ rừng vào năm 1993 chỉ đạt 27,8%, đến nay chúng ta đã có tỷ lệ che phủ rừng lên đến 42%, trong khi trung bình của thế giới là 31%.
Thực tế, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp mang tính chiến lược để bảo vệ đất và phát triển rừng, hướng tới nền canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, việc phủ xanh đúng kỹ thuật các diện tích đất trống có thể có khả năng đảo ngược quá trình suy thoái đất. Bằng chứng cụ thể là theo kế hoạch trong quý IV/2021, Ngân hàng thế giới sẽ giải ngân số tiền 51,5 triệu USD đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ Cacbon rừng. Đây là số tiền thu được từ các nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống suy thoái đất ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam.
“Số tiền này sẽ được nhân lên rất nhiều nếu chúng ta có thể phủ xanh được càng nhiều diện tích đất với những cây trồng chất lượng cao” - ông Phạm Văn Điển nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, việc phủ xanh diện tích đất phải được nâng cao từ nhận thức mỗi người dân mới có thể bền vững và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, việc phủ xanh các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa hơn khi không những cải thiện môi trường đô thị mà với nền tảng thông tin mạnh mẽ, việc này cũng có thể lan toả được thông điệp và ý thức “xanh hoá” cuộc sống tới nhiều người hơn.
Hà Nội hướng tới thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”
Đối với Hà Nội, một đô thị đang phải đối diện với áp lực lượng người nhập cư ngày một lớn, chính quyền TP cũng đã ý thức rất rõ việc xây dựng một Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600.000 cây đô thị, cây bóng mát, phủ kín trên hơn 250 tuyến đường, tuyến phố và khu vực; nhằm tăng mật độ cây xanh, tạo cảnh quan, không gian xanh kết hợp trang trí tạo đặc trưng cho tuyến đường, đồng thời có tác dụng ngăn gió, chống bụi, chống ồn cho tuyến đường.
Chương trình ''Đổi rác lấy quà tặng'' do Đoàn Thanh niên báo Kinh tế&Đô thị phối hợp với Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) tổ chức là chương trình ý nghĩa, lan tỏa lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Ảnh: Đoàn Thanh |
Hà Nội xác định phát triển đô thị xanh, trọng tâm là trồng, chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của TP.
Đây cũng là việc làm nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2025 “phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại” và đến năm 2030 “Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”.
Người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có những thói quen về việc bảo vệ môi trường và nhìn nhận rõ hiệu quả của những hàng cây xanh trong cuộc sống của họ. Việc tiêu dùng thực phẩm cũng có xu thế ưa chuộng các sản phẩm Organic và tính canh tác đảm bảo an toàn, hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm…
“Điều này góp phần tác động trở lại người sản xuất – người đang thực hành trên các diện tích đất nông nghiệp cả nước. Đây sẽ là tác động rất tích cực đến các hoạt động bảo vệ cho đất” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển nhìn nhận.