Ngày 9/9, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với UBND quận Long Biên về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2016-2021; chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2019-2021, và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội trên địa bàn Hà Nội.
Tăng cường tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận luôn tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN). Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN được quan tâm, triển khai đồng bộ, rộng rãi đến tất cả các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận.
UBND quận đã ban hành kế hoạch 341/KH-UBND ngày 23/9/2021 thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT giai đoạn 2021-2025; các quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành quận. Quá trình kiểm tra nhận thấy, các sai sót phổ biến liên quan đến chính sách là việc đơn vị đóng không đủ số người, không đủ số tiền; các cơ sở khám chữa bệnh áp sai giá dịch vụ, chỉ định và thanh toán thuốc không đúng quy định.
Đối với việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19, quận đã áp dụng linh hoạt, quyết liệt, kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh tốt và giữ vững ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn quận. Cùng với đó, quận hỗ trợ người dân, người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn từ nguồn ngân sách đảm bảo quy định, kịp thời; huy động nguồn lực xã hội hóa giúp người dân vượt qua các khó khăn…
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà thừa nhận, chính sách về BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn; mức hỗ trợ của nhà nước đối với đối tượng khác khi tham gia còn thấp nên chưa thu hút nhiều người dân quan tâm. Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị chưa tự giác; hành vi trốn đóng, chậm đóng, đóng không đủ số lao động, không đóng đúng mức lương thực tế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Một số đơn vị, doanh nghiệp, người tham gia lách luật để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về BHYT, quận tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân, người lao động và người sử dụng lao động về chính sách BHYT, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật...
Ngăn chặn hành vi trục lợi trong việc hưởng BHXH
Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, quận kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành hướng dẫn xử lý tiền nợ BHXH, BHTN tồn đọng kéo dài không còn khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đã ngừng giao dịch, chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động và giảm tỷ lệ nợ đọng. Đồng thời, bổ sung các quy định khởi tố hình sự, cụ thể hóa hơn nữa đối với đơn vị nợ BHXH kéo dài, không khắc phục sau kiểm tra, thanh tra. Xem xét và đưa hành vi mua bán sổ BHXH vào xử lý hình sự nhằm tăng tính răn đe, ngăn chặn hành vi trục lợi trong việc hưởng BHXH.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc tính tỷ lệ bao phủ BHYT trên số dân hiện nay chưa chính xác vì người lao động của quận Long Biên đang làm việc có tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tại các tỉnh, thành, quận, huyện khác và ngược lại nên đề nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn cách phân tích thống kê số liệu.
Đối với việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19, quận đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quan tâm, đầu tư để nâng cao năng lực y tế cơ sở về nhân lực, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các phần mềm ứng dụng CNTT để quản lý doanh nghiệp, người lao động; có giải pháp quản lý đối tượng và người dân và người dân qua số định danh cá nhân để khi cần thực hiện các chính sách hỗ trợ khẩn cấp.
Đồng thời, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm tăng số lượng trạm y tế, tăng số lượng nhân viên y tế của Trạm Y tế theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính để nâng cao năng lực y tế cơ sở trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như công tác phòng chống dịch bệnh.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người nghèo
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi của các thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai thống nhất với những đánh giá, đề xuất của quận Long Biên; chia sẻ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách ở cấp cơ sở.
Đánh giá cao các kết quả đạt được của quận trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nhận xét, giải pháp tổ chức thực hiện trong phòng chống dịch quận thực hiện đa dạng, sáng tạo, linh động; huy động được người dân tham gia, hỗ trợ tiền thuê trọ; các chế độ an sinh xã hội đảm bảo tốt. Mô hình chính quyền hỗ trợ 100% mức đóng BHXH tự nguyện cho người lao động là thành viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại quận Long Biên là điểm sáng, mô hình điểm, có thể nhân rộng. Đoàn giám sát chuyên đề sẽ nghiên cứu mô hình này, làm căn cứ để góp ý, kiến nghị xây dựng các chính sách về BHXH, BHYT cho giai đoạn tới.
Ngoài ra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, quận Long Biên đã kiểm soát được dịch Covid-19, thực hiện tốt chủ trương tiêm phòng. Tỷ lệ người dân tử vong do mắc Covid-19 trên địa bàn quận thấp, chủ yếu rơi vào người cao tuổi. Đoàn Giám sát cũng đề nghị quận đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, nhất là đối với người lớn (mũi 4) và trẻ em, bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, phát sinh biến chủng mới.