Việc triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn thời gian qua dù đã đạt được một số tín hiệu tích cực nhưng để nhân rộng vẫn còn khá gian nan.
Giảm 50 – 70% khối lượng rác thải
Theo Trưởng phòng Dự án truyền thông Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Thủy, từ đầu năm 2021, để đón đầu thời điểm Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực, Sở TN&MT đã phối hợp với huyện Đông Anh triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn TP. Năm qua, dù hoạt động thí điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kết quả đạt được vẫn rất khả thi.
Cụ thể, 23 xã, thị trấn thuộc huyện Đông Anh đã đồng loạt thực hiện thí điểm. Theo báo cáo của UBND các xã cho thấy, đến hết tháng 2/2022 có 7.621 hộ tham gia thí điểm phân loại rác tại nguồn. Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành 3 loại: Hữu cơ, tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng... Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán cho hệ thống thu gom đồng nát.
Đáng chú ý, từ sau khi triển khai mô hình thí điểm, lượng rác thải phải chôn lấp giảm từ 50 - 70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ gia đình tại một số xã tham gia tích cực mô hình. Ở phạm vi rộng hơn, kết quả đánh giá của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 là 83.147 tấn, trung bình phát sinh 227 tấn/ngày, giảm hơn 12 tấn/ngày so với lượng rác phát sinh năm 2020 (87.556 tấn, trung bình phát sinh 239 tấn/ngày). "Đây là kết quả rất khả thi.
Mặt khác, rác được xử lý ngay tại chỗ, sử dụng làm phân bón cây trồng gần như tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn" - bà Lê Thanh Thủy nhận định.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi chia sẻ, thời gian tới, cùng với huyện Đông Anh, Sở TN&MT kỳ vọng 29 quận, huyện còn lại sẽ có bước chuyển mình sau khi tham quan, học tập phương pháp triển khai mô hình thí điểm. Mặt khác, giữa các địa phương sẽ tạo dựng mối liên kết chặt chẽ hơn nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Không dễ nhân rộng
Khối lượng rác thải hiện nay được ước tính đã phát sinh gấp đôi so với 15 năm trước, trong đó có đến 60 - 70% rác hữu cơ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí xử lý. Do đó, yêu cầu nhân rộng các dự án bảo vệ môi trường đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của các quận, huyện Hà Nội, việc áp dụng mô hình vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, tại chương trình tham quan học hỏi kinh nghiệm quản lý rác thải giữa 30 quận, huyện diễn ra tại Đông Anh mới đây, có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về những vướng mắc còn tồn tại và cho rằng nếu vội vàng áp dụng mô hình, người dân sẽ mất kiên nhẫn dẫn đến thất bại. Cụ thể, nhiều địa phương chưa triển khai rõ nét công tác tuyên truyền nên nhận thức và ý thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn còn hạn chế. Nhiều hộ gian đình vẫn quen với việc đổ rác mà không phân loại. Tại một số địa bàn đang phát triển theo hướng đô thị, việc tái chế rác hữu cơ thành phân vi sinh trở nên chưa hợp lý dẫn đến sự tham gia thiếu nhiệt tình.
Trong khi đó, ở các quận nội thành, việc triển khai thực hiện xử lý rác tại hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì diện tích chật hẹp, rất khó để sắp xếp vị trí thùng phân loại cũng như hoạt động thu gom còn nhiều bất cập. Mặt khác, do kinh phí hỗ trợ dụng cụ để phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình còn chưa có chính sách rõ ràng, các hộ chủ yếu tận dụng thùng, xô... có sẵn để triển khai nên chưa đúng kỹ thuật, đồng bộ, gây mất mỹ quan, thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng cần hướng dẫn cụ thể việc phân loại rác thải tại nguồn một cách thống nhất, báo cáo UBND TP sớm ban hành các quy định về định lượng, thu tiền rác phát sinh theo khối lượng. Đồng thời có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện phân loại rác thải.