Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Thường Tín

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để sản phẩm nông nghiệp của huyện đạt năng suất, tạo ra nguồn thu lớn cho các hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Qua đó, huyện Thường Tín áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hàng loạt biện pháp hữu hiệu khác.

Nhiều đại biểu, cán bộ trên địa bàn huyện Thường Tín có chung nhận định, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững
Nhiều đại biểu, cán bộ trên địa bàn huyện Thường Tín có chung nhận định, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững

Vụ mùa năm nay, xã Khánh Hà triển khai mô hình cấy lúa theo hướng hữu cơ, kết hợp khảo nghiệm một số giống lúa nhằm mục đích tìm ra bộ giống lúa thích hợp với đồng đất ở địa phương.

Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng nguồn thu nhập về kinh tế và nâng cao, cải thiện đời sống cho nông dân, đặc biệt sử dụng hiệu quả tài nguyên đất canh tác nông nghiệp.

Mô hình được triển khai thực hiện tại cánh đồng thôn Khánh Vân, quy mô diện tích 15 mẫu, sử dụng giống lúa TBR97, DT8 và giống lúa Lam Sơn với 70 hộ dân tham gia mô hình áp dụng phương pháp canh tác lúa không sử dụng hoá chất.

Xã Khánh Hà triển khai mô hình cấy lúa theo hướng hữu cơ, kết hợp khảo nghiệm một số giống lúa nhằm mục đích tìm ra bộ giống lúa thích hợp với đồng đất ở địa phương
Xã Khánh Hà triển khai mô hình cấy lúa theo hướng hữu cơ, kết hợp khảo nghiệm một số giống lúa nhằm mục đích tìm ra bộ giống lúa thích hợp với đồng đất ở địa phương

Các hộ tham gia mô hình đều đã được tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ và kỹ thuật thâm canh cây lúa, nhờ đó mà người nông dân hiểu được và thực hiện tốt quy trình. 

Qua đánh giá kết quả mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, giảm công chăm sóc do sử dụng thiết bị bay không người lái để phun chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc HTXNN xã Khánh Hà cho biết: Hiệu quả của mô hình là hình ảnh trực quan sinh động giúp bà con nông dân áp dụng phương pháp canh tác lúa hữu cơ để các vụ sản xuất những năm tiếp theo. Qua đó sẽ mở rộng quy mô diện tích canh tác, tiến tới phục vụ thương mại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Cán bộ, người trên địa bàn huyện Thường Tín trao đổi về phương thức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ
Cán bộ, người trên địa bàn huyện Thường Tín trao đổi về phương thức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Qua các buổi hội thảo đầu bờ và tham quan mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón hữu cơ, các đại biểu, cán bộ đều có chung nhận định sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững.

Luôn phù hợp với xu thế và cần được nhân rộng. Lúa cứng cây, lá có màu xanh sáng, hạt lúa chắc mẩy, bông lúa dài, trung bình 160 - 170 hạt, năng suất dự kiến đạt từ 180 - 200 kg/sào.  

Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ để giảm dần và thay thế cho các loại phân hóa học, giúp cây lúa phát triển tốt, cải thiện môi trường đất, nước, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao.

 Cánh đồng lúa trồng theo hướng hữu cơ, kết hợp khảo nghiệm một số giống lúa tại xã Khánh Hà
 Cánh đồng lúa trồng theo hướng hữu cơ, kết hợp khảo nghiệm một số giống lúa tại xã Khánh Hà

Chủ tịch Hội nông dân huyện Thường Tín Bạch Văn Huân cho rằng: Việc áp dụng phương pháp canh tác lúa hữu cơ trên đồng ruộng, góp phần loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật có chất gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hội nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức nông dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Tăng cường tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng lương thực, thực phẩm, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.