Nhiều mô hình phổ biến pháp luật mới, hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng năm 2024, Thành ủy, UBND TP và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở đã bám sát chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP luôn nhận được chỉ đạo sát sao của T.Ư, Bộ Tư pháp, Thành ủy, UBND TP; chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và DN, phổ biến thực tiễn chấp hành pháp luật, chính sách mới thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ "về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", triển khai Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trên địa bàn TP, công tác quản lý đất đai, giao thông, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, chính quyền đô thị, chuyển đổi số, môi trường, trật tự an toàn xã hội...
Công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, ngày càng thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tham gia, tạo thành phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện theo pháp luật. Bên cạnh thực hiện hình thức PBGDPL truyền thống, các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương đã tổ chức sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới, hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực, phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được đẩy mạnh với việc tiếp tục sử dụng nhiều ứng dụng mới để tuyên truyền theo phương thức hiện đại như chuyển tải dưới infographic, video điện tử, mạng xã hội, fanpage, màn hình Led, qua thiết bị điện tử tại nhà chung cư, khu đô thị, tin nhắn điện tử, thư điện tử...
Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò tham mưu. Nhiều đơn vị sở, ban, ngành TP đã tích cực đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền PBGDPL. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thủ đô thực hiện tốt kỷ cương hành chính. Người dân, DN đã tích cực tham gia giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của TP.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, TP đã đẩy mạnh truyền thông Luật Thủ đô (sửa đổi) theo tiến trình xây dựng Luật; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống ma túy, pháp luật về giao thông và đặc biệt là tích cực triển khai thực hiện Đề án số 06...
Chủ động, sáng tạo, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Trong thời gian tới, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP tiếp tục phát huy trách nhiệm hơn nữa trong tư vấn, tham mưu về công tác PBGDPL; định hướng nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp theo từng giai đoạn. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, của TP về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật 6 tháng cuối năm 2024.
Cùng đó, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể TP tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Luật Thủ đô bằng hình thức phù hợp. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị TP và các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển khai tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô 2024. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL. Khai thác có hiệu quả các ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tổ chức triển khai vận hành Trang Thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các luật, pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua; quan tâm phổ biến những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề nóng trong xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, nhà ở, giao thông, môi trường và các nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị, các quy định định cải cách hành chính, triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP trong tham gia tuyên truyền, PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục triển khai thí điểm một số mô hình PBGDPL mới.
Ngoài ra, tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định về công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện công tác PBGDPL kết hợp với việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên sơ kết, tổng kết nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL, động viên, khen thưởng cho tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác PBGDPL.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành văn bản triển khai tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; tiếp tục hoàn thiện xây dựng phần mềm thống kê công tác tư pháp nói chung, công tác PBGDP, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng đảm bảo thông suốt trong quá trình thực hiện. UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, các quận, huyện, thị xã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; bố trí kinh phí cho công tác này, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
6 tháng đầu năm, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 1.311 vụ việc hòa giải (giảm số vụ việc so với cùng kỳ năm 2023 là 1.608 vụ việc hòa giải), đã tiến hành hòa giải thành 1.055/1.243 vụ việc (đạt tỷ lệ 84.88%), 68 vụ việc đang tiến hành hòa giải.
Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 78.49%) ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương.
Đã có 555/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96%. Nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.