70 năm giải phóng Thủ đô

Nhân rộng phong trào trồng cây xanh

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi độ Xuân về, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong cả nước lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Trong các đô thị lớn, các mảng xanh giúp chống ô nhiễm, điều hòa nhiệt độ... Hà Nội là một trong những TP tích cực tham gia phong trào này.

Tầm quan trọng của việc trồng cây
Theo các chuyên gia môi trường, hệ sinh thái giữ vị trí quan trọng với từng địa phương cũng như toàn cầu, nó đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và là nguồn sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng cùng với sự gia tăng dân số, sự phát triển công nghiệp,… hệ sinh thái đang bị bức tử nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề hết sức đáng lo ngại ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện tượng trái đất nóng lên, ô nhiễm nặng về tiếng ồn, ánh sáng, khói bụi... gây nhiều ảnh hưởng cho đời sống và sức khỏe người dân.
Song cũng cần phải nhìn nhận một cách công bằng, chính con người cũng là nguyên nhân hủy diệt hành tinh xanh một cách tàn bạo nhất do ý thức hay chưa có ý thức. Việc tàn phá rừng, môi trường sống của động vật hoang dã, lá phổi xanh của loài người cũng diễn ra với một nhịp điệu chóng mặt không kém.
 Công nhân Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội trồng cây tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: An Đăng
Theo số liệu thống kê, đến nay, con người đã tàn phá khoảng 95% rừng nguyên thủy châu Á để lấy gỗ, lấy đất canh tác và đang tiến sang tàn phá rừng Amazon ở Nam Mỹ, rừng ở châu Phi… trong khi rừng Amazon sản sinh 1/3 lượng oxy cho toàn thế giới thì tốc độ tàn phá rừng vẫn ngày càng khốc liệt.
Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF trong năm 1997 con người đã thiêu cháy 2 triệu ha rừng Amazon, 17.000 ha rừng Colombia, 2,4 nghìn ha rừng Kenia, 2 triệu ha rừng Indonexia, 0,5 triệu ha rừng ở Australia…
"Việt Nam hiện cũng đang là một trong những nước chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía những lời chỉ dạy của Bác Hồ, càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng.
Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các TP, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành" - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Hà Nội cụ thể hóa hành động bảo vệ môi trường
Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, năm 2019, mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 224.000 ha rừng trồng tập trung và 60.000.000 cây phân tán, góp phần bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 30.000.000 m3/gỗ/năm; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 41,85%,…
Riêng Hà Nội, đến hết năm 2019, các quận, huyện, thị xã đã trồng được 396.143 cây xanh các loại, đạt 125% kế hoạch. Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo các đơn vị trồng hơn 400.000 cây xanh bóng mát, cây lấy gỗ trên các trục giao thông, khu dân cư, khu công cộng… vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.
 Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam trồng cây tại Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, cùng với nhân dân cả nước, nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn phát động Tết trồng cây và xây dựng kế hoạch chi tiết việc trồng bao nhiêu cây, ở những địa điểm nào, trồng loại cây nào... vừa bảo đảm môi trường sinh thái, vừa hữu dụng.
Năm 2016, Hà Nội đề ra chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020. Với sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương cùng sự chung tay của người dân, đến hết năm 2018, TP hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh, vượt thời hạn đề ra trước 2 năm. Trong giai đoạn 2019-2020, Hà Nội phấn đấu trồng mới 600.000 cây xanh và có thể sẽ hoàn thành sớm.
“Có thể nói, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Hằng năm, TP đều bố trí kinh phí để phát động Tết trồng cây; đầu tư kinh phí nhập từ nước ngoài nhiều chủng loại cây cảnh và hoa trồng trên các đại lộ, tuyến phố, góp phần làm đẹp Thủ đô, đáp ứng tiêu chí xanh - sạch - đẹp của đô thị văn minh, hiện đại” - ông Nguyễn Xuân Đại chia sẻ.
TP Hà Nội phấn đấu năm Canh Tý 2020 trồng mới từ 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị; 200.000 cây ăn quả; 70 ha rừng, chăm sóc 3.546 ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483 ha rừng. Trong đó, riêng đợt ra quân đầu Xuân Canh Tý năm 2020, toàn TP phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng TP. Ngoài các khu di tích lịch sử - văn hóa, khu đô thị mới, công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven các trục đường giao thông thì các trường học cũng là địa điểm tổ chức Tết trồng cây năm nay.
Việc trồng cây ở Hà Nội còn được chú trọng lan tỏa trong những bạn trẻ, lứa tuổi học đường, Bà Vũ Thị Hậu - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết:
Lúc sinh thời Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Từ lời dạy của Người, thầy và trò trường THPT Trần Nhân Tông chúng tôi đã cụ thể thể hóa bằng hành động thiết thực.
Cùng với nhiệm vụ ‘trồng người’ thì việc trồng cây cũng luôn được nhà trường quan tâm chú trọng, cây không chỉ được trồng ở sân trường mà còn cả trong lớp học, trên sân thượng,… tạo nên những mảng xanh cùng với rực rỡ sắc hoa không chỉ làm đẹp cảnh quan, tạo niềm hứng khởi cho thầy trò mỗi khi đến trường mà còn góp phần cải thiện chất lượng không khí, cân bằng môi trường sinh thái. Qua đó góp phần khơi dậy lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các em học sinh.

Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường

"Trong bối cảnh hiện nay, khi biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ XXI, các loại hình thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày một gia tăng đang để lại hậu quả rất nặng nề, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa to lớn về tư tưởng, triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, Bộ TN&MT hưởng ứng Tết trồng cây với tinh thần “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, việc trồng thêm cây xanh sẽ khắc phục, giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, bảo vệ, cải thiện môi trường sống. Đồng thời, hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây cũng là cơ hội để chúng ta tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để mỗi DN, mỗi người dân và cộng đồng thấy rõ bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi để tạo dựng môi trường sống của chúng ta được tốt hơn." - Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Bộ Tài nguyên&Môi trường


Mỗi người cùng đóng góp vào việc phủ xanh đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống

"Chúng ta sống trong một thế giới nơi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dấu ấn môi trường và xã hội của các sản phẩm và dịch vụ mà họ tiêu thụ, vì vậy bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Vinamilk luôn ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội, luôn ủng hộ việc phát triển DN bền vững song song với việc bảo vệ môi trường.

8 năm nay, Vinamilk bền bỉ cùng Bộ TN&MT thực hiện chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, với mong muốn chương trình sẽ góp phần đem lại môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho các thế hệ người dân Việt Nam. Đến nay, Quỹ đã trồng được hơn 850.000 cây xanh các loại tại 38 địa điểm của 17 tỉnh, thành trên cả nước với tổng giá trị hơn 11 tỷ đồng.

Chúng tôi mong rằng, cùng với Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, mỗi người chúng ta sẽ cùng đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước, mở rộng độ che phủ của cây xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh - sạch - đẹp." -  Ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Phát triển hoạt động cộng đồng, Công ty Vinamilk (Lê Mai ghi)