Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình "Sáng kiến vì cộng đồng" - Lần thứ III (2019-2020), do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối tổ chức.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Ngọc Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN Võ Quang Lâm.
Hội thảo "Sáng kiến vì cộng đồng - Nhân rộng và kết nối" là hoạt động nhằm gia tăng cơ hội kết nối giữa các tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến được đánh giá cao thông qua cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” - Lần thứ III tới các cá nhân, tổ chức quan tâm để giúp lan tỏa các sáng kiến hỗ trợ cộng đồng, kết nối và nhân rộng những sáng kiến đóng góp trong toàn dân.
"Sáng kiến vì cộng đồng” là chương trình thường kỳ 2 năm một lần, với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội. Chương trình góp phần thúc đẩy và phát huy vai trò, đóng góp của quần chúng nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội.
Chương trình “Sáng kiến vì cộng đồng" - Lần thứ III được khởi động từ tháng 8/2019. Sau hơn một năm phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 400 hồ sơ sáng kiến đăng ký tham gia bình xét. Cụ thể, 81 sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục; 64 sáng kiến trong khoa học ứng dụng; 51 sáng kiến trong lĩnh vực môi trường; 30 sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp; 20 sáng kiến trong lĩnh vực văn hoá xã hội; 18 sáng kiến trong lĩnh vực giao thông; 13 sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế; 9 sáng kiến trong lĩnh vực y tế...
Qua hai vòng thẩm định của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo, đã có 251 sáng kiến được bình xét vòng sơ khảo, trong đó có 42 sáng kiến được xét duyệt tham gia vòng chấm chung khảo. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 20 hồ sơ dự án để biểu dương bao gồm: 02 giải Nhất; 03 giải Nhì; 05 giải Ba; 10 giải Khuyến khích.
Một số sáng kiến tiêu biểu là "Mô hình nhà tình thương kinh phí thấp" của KTS Bùi Thế Long (TP Hồ Chí Minh); "Đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật" của tác giả Lê Huy Tích (Hoà Bình); "Ứng dụng quản lý công việc vận hành tín dụng tự động - AutoWork" của tác giả Nguyễn Thị Thuý (Ngân hàng VietinBank)...
Đáng chú ý, có 2 tác giả thuộc TP Hà Nội có sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục, y tế được trao giải. Đó là "Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hoà nhập" của tác giả Đỗ Thị Hoàng Mai (trường TH Nông nghiệp, huyện Gia Lâm) và "Sáng kiến giao lưu "Lòng yêu thương - Thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy" cho học sinh khối 1,2,3 tại các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm" của ThS. Trương Thị Kim Hoa và Nhóm cộng sự.
Tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá cao mô hình dạy trẻ tự kỷ của tác giả Đỗ Thị Hoàng Mai. Ông Vũ Văn Hà cho rằng, mô hình thể hiện trách nhiệm và tâm của người thầy trong xã hội hiện đại. Đồng thời cũng nêu lên việc giáo dục trẻ tự kỷ là một vấn đề của xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường, trở thành gánh nặng tâm lý không chỉ của gia đình, nhà trường mà còn của xã hội. "Mô hình này có ý nghĩa nhân văn và giáo dục rất lớn, cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện và nhân rộng" - ông Vũ Văn Hà đánh giá.
Theo đánh giá chung của Ban tổ chức, Cuộc thi lần này nhận thấy rõ sự đa dạng về lĩnh vực tham gia bình chọn, sự tích cực chủ động của một số tác giả. Các sáng kiến được dồn nhiều về lĩnh vực giáo dục, khoa học ứng dụng, môi trường, văn hóa, xã hội là những lĩnh vực đang tạo ra sức nóng, thu hút sự quan tâm lớn của Chính phủ, của cộng đồng, trong đó một số sáng kiến có tính phục vụ cộng đồng cao đã được đưa vào ứng dụng mang tính thời sự cấp thiết, đem lại những giá trị thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ.