Có thể nói, vụ chiếc xe container “hạ gục” hàng loạt xe máy dừng chờ đèn đỏ vào ngày 2/1 vừa qua, tại Long An, khiến 3 người chết tại chỗ và hàng chục người nhập viện đã thực sự gây chấn động trong ngành Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như nhiều đơn vị quản lý Nhà nước về giao thông. Gần như lập tức, TP Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch kiểm tra tình trạng sức khỏe của cánh tài xế. Kết quả là lực lượng chức năng đã phát hiện có đến 7 tài xế sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông. Các tài xế này đều bị phát hiện khi đang trên đường lái xe ra vào các cảng trên địa bàn TP. Bình luận về sự việc trên, một lãnh đạo Công an phường trên địa bàn quận Thủ Đức đã thẳng thắn thừa nhận, vấn nạn các tài xế container sử dụng ma túy khi lái xe đã “nhức nhối” từ lâu.Trên thực tế, tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích khi lái xe, hay nói rộng hơn là nhiều tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng không đảm bảo sức khỏe đã được nói tới từ khá lâu. Cách đây vài năm, Bộ GTVT đã từng mở “chiến dịch” tổng kiểm tra tình trạng sức khỏe của các tài xế điều khiển xe khách và đã ghi nhận không ít trường hợp tài xế dương tính với ma túy. Nhưng, đợt tổng kiểm tra đó chỉ như cơn gió thoảng qua, rồi cũng chìm nghỉm trong quên lãng. Để rồi từ đó đến nay, công tác quản lý, kiểm tra điều kiện sức khỏe của giới lái xe tiếp tục bị thả nổi. Không ít người đặt câu hỏi, nếu như vụ xe container gây tai nạn liên hoàn ở Long An vừa rồi không xảy ra, liệu các cơ quan quản lý Nhà nước mà tiêu biểu là Bộ GTVT có “giật mình” nhận ra tình trạng “thả nổi” vấn đề sức khỏe tài xế trong suốt một thời gian dài như vừa qua?Một số chuyên gia giao thông đã không ngần ngại nói rằng, phản ứng của Bộ GTVT sau vụ TNGT ở Long An nói riêng và tình trạng TNGT diễn biến phức tạp một cách bất thường trong thời gian gần đây nói chung, chỉ là phản ứng mang tính chất nhất thời, nông cạn và theo kiểu xoa dịu dư luận. Nhất là việc Bộ trưởng Bộ GTVT trong một cuộc họp gần đây đề xuất tịch thu bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế gây TNGT nghiêm trọng. Đó là giải pháp theo kiểu “đánh bùn sang ao”, đổ hết lỗi cho người lao động và đặc biệt là tìm mọi cách tước quyền lao động của lái xe. Quan điểm đó của chuyên gia giao thông không hề sai. Bởi khi một vụ TNGT xảy ra, kể cả nguyên nhân trực tiếp là do lái xe thì xét đến cùng, đơn vị chịu trách nhiệm chính vẫn là Bộ GTVT. Để giải quyết vấn nạn TNGT cần một gói giải pháp mang tính chất tổng thể, lâu dài, bền vững. Trong đó, để thực hiện gói giải pháp này, các cơ quan quản lý Nhà nước về ATGT, gồm cả đại diện là Bộ GTVT phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi. Có như thế, chiến dịch kéo giảm và tiến tới loại trừ TNGT mới thật sự phát huy được hiệu quả.