Áp lực cao
Ngoài việc nhân viên ngân hàng thi nhau nhảy việc trong nội ngành, còn xuất hiện thêm hiện tượng chuyển dịch sang DN hoặc tự kinh doanh. Để có được mức lương lên tới vài chục triệu mỗi tháng, các nhân viên ngân hàng phải chịu không ít áp lực. “8 giờ sáng đi làm, 21 giờ khoá sổ giao dịch trong ngày mới được nghỉ về nhà, ngoài ra còn áp lực doanh số cho vay, thu lãi, thu gốc. Nếu khoản vay không thu được lãi, gốc thì coi như không hoàn thành, bị trừ điểm”- Trang, nhân viên GP Bank cho hay.
Nhân viên Ngân hàng Quốc dân tư vấn cho khách hàng làm thủ tục tài chính. Ảnh: Phạm Hùng |
Nhân viên tín dụng bị cuốn vào vòng xoáy chỉ tiêu tín dụng, huy động và quản lý khách hàng. Cán bộ quản lý áp lực bởi kết quả kinh doanh của đơn vị, quản lý nhân viên… Những cá nhân không đủ khả năng chịu được áp lực của công việc sẽ tự động rời bỏ hoặc kết thúc hợp đồng lao động nhanh chóng.Thu nhập cao, vẫn khó tuyển dụngNgay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nam A Bank có thông tin gây "sốc" thị trường khi công bố tuyển dụng tới 1.000 nhân sự trong năm 2018. Cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu năm, hàng loạt ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, VIB, VPBank, Sacombank, SeaABank, HDBank, ACB... cũng đã đăng tin tuyển dụng vài chục, đến vài trăm nhân sự cho nhiều vị trí.Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, nghe tuyển dụng vài trăm, thậm chí nghìn người có vẻ nhiều nhưng thực tế theo đặc thù công việc. Các ngân hàng phải tách việc tuyển dụng giữa hai khối ngân hàng truyền thống, các phòng ban với bộ phận bán hàng và kinh doanh bởi tiêu chuẩn tuyển dụng, tiêu chí, đặc trưng công việc. Đội ngũ nhân viên mà các ngân hàng hay tuyển một lúc cả nghìn người chủ yếu là tuyển cho bộ phận bán hàng, bán lẻ, tiêu dùng, tiếp thị nhằm mở rộng thị trường...
Có thể thấy, các dịch vụ mới gần đây được các ngân hàng tập trung phát triển mạnh là tiếp thị và bán lẻ các sản phẩm ngân hàng qua điện thoại (telesale), Internet Banking, Mobile Banking và tiếp thị trực tiếp với khách hàng tại nơi công cộng... Dịch vụ này đòi hỏi nhiều đầu việc lắt nhắt, quản lý sát sao, bám sát thị trường nên khá “tốn” người.Thậm chí sau đó, nhân viên nào bán hàng tốt rất dễ bị đối thủ cạnh tranh “câu mất”. Vì vậy, ngoài các đợt tuyển dụng ồ ạt, các ngân hàng còn dùng các kênh riêng khác để tìm người có trình độ lấp vào những chỗ trống.Theo đánh giá của TS Vũ Đình Ánh, các đợt tuyển dụng của ngân hàng cũng cho thấy họ đang chấp nhận một tỷ lệ nhân viên thời vụ nhất định. Đây là phương án giải đáp cho bài toán chi phí nhân lực. Điều ngân hàng nào cũng hiểu là cần xây dựng nền tảng cơ bản về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng.
“Các vụ việc nhân viên ngân hàng lừa khách, thụt két vẫn liên tiếp xảy ra. Vì thế, các tổ chức tín dụng phải xây dựng được những con người mới với những tư duy mới, cách làm việc mới” - ông Ánh chia sẻ.
Theo khảo sát của Navigos Group, đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Search về nhân sự ngành ngân hàng, có tới 90% số ngân hàng chi trả mức thu nhập cho nhân viên của mình 10 - 30 triệu đồng/tháng. Dù các ngân hàng vẫn thường xuyên tuyển dụng nhân sự để bù đắp vào lượng nhân sự nghỉ việc hoặc để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh, một số ngân hàng vẫn ghi nhận số lượng nhân viên giảm mạnh năm qua.