VN-Index tăng nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, VN-Index tăng 2,4 điểm (0,19%), lên mức 1.283,87 điểm; HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,13%), xuống mức 237,56 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc xanh với bên mua có 387 mã tăng và bên bán có 319 mã giảm.
Sắc xanh có phần áp đảo trong rổ VN30 với 17 mã tăng, 8 mã giảm và 5 mã tham chiếu.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 510 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 12,1 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 48,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 952 tỷ đồng.
VN-Index mở đầu phiên chiều với diễn biến giằng co quyết liệt của cả 2 phe mua bán và bất ngờ khi lực bán mạnh thắng thế khiến chỉ số lui về dưới mốc tham chiếu nhưng lực mua cuối phiên đã nhanh chóng nâng đỡ giúp VN-Index bảo toàn sắc xanh. Về mức độ ảnh hưởng, VCB, FPT, HVN có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 1,6 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, HPG, MSB... là những mã có tác động tiêu cực nhất nhưng mức tác động không đáng kể.
Tin tốt về nâng hạng thị trường
Trong thông báo mới nhất, Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2.
Theo FTSE Russell, kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên 2024 sẽ được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 8/10/2024. Trước đó, tại báo cáo xếp hạng thị trường hồi tháng 3/2024, FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi để nâng hạng (được thêm vào từ hồi tháng 9/2018).Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ t hị trường cận biên lên t hị trường mới nổi hạng 2.
FTSE Russell duy trì các đánh giá về tiêu chí "chu kỳ thanh toán" quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài. Theo đó, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường. Còn lại hai vấn đề cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Chí Dũng cho biết, khi nâng hạng thị trường chứng khoán thành công sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam 1 năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi sẽ giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu. Theo đó, giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, số lượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường, nếu thị trường nâng hạng thành công sẽ góp phần gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường. Từ đó tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.