Sốt ruột tốc độ giải ngân
Theo Bộ KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá thấp, đến 30/6 mới đạt 133.890,16 tỷ đồng, bằng 29,02% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%). Trong đó vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%.
Trong nửa đầu năm 2021, có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước (29,02%), mới có 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 3%. Đặc biệt có 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Về vốn vay nước ngoài, hiện mới có 5/13 bộ, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Đáng lưu ý, có đến 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.
Cao tốc Bắc Nam được phản ánh chậm tiến độ (Ảnh minh hoạ) |
Theo phản ánh từ các Bộ, ngành, địa phương, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% -50% so với đầu năm.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành một trong những điểm tồn tại, hạn chế được Chính phủ chỉ ra trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Ngoài nguyên nhân khách quan, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng có nhiều lý do chủ quan. Công tác đấu thầu, phân bổ, giao vốn, điều chỉnh vốn còn chậm. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng. Riêng nguồn vốn ODA, việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân...
Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt còn có lý do người đứng đầu ở một số nơi còn chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra, né tránh trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.
Trong số 10 dự án đường bộ quan trọng cấp bách thực hiện theo Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 3 dự án hoàn thành. Còn lại, 7 dự án đang tổ chức thi công, nhiều công trình chậm tiến độ; Trong 7 dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công, chỉ có 2 dự án đáp ứng tiến độ, 1 dự án mới khởi công hồi tháng 5, 4 dự án còn lại chậm so với kế hoạch. Một dự án trọng điểm khác cũng đang gây xôn xao dư luận vì tiến độ “rùa bò”, đó là Sân bay Long Thành (Đồng Nai). Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015, việc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Đồng Nai thông tin hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, đã quá nửa năm 2021, dự án mới thu hồi được hơn 1.200 ha trên tổng số 2.532 ha (đạt 50,7%). Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng khi dự án này chậm tiến độ sẽ gây lãng phí tiền của và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Xây dựng quy trình, rõ ràng trách nhiệm
Đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay. Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 63 về thúc đẩy các nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế cho những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong số này, mục đích lớn nhất là bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Đồng thời phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu là 60% kế hoạch.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực…
Đặc biệt kiên quyết rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để đầu tư công thực sự là động lực tạo ra cú hích về hạ tầng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế thì những đồng vốn ngân sách phải được sử dụng cho những dự án thực sự hiệu quả. Nghĩa là dù số lượng các dự án triển khai có giảm đi nhưng phải đảm bảo đã triển khai thì phải hoàn thành để đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. “Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh…” – lãnh đạo Bộ KH&ĐT chia sẻ.
Đảm bảo mục tiêu vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút các nguồn lực kinh tế khác. Để hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đặt ra, nửa cuối năm nay sẽ phải giải ngân gần 80% vốn đầu tư công. Áp lực không hề nhỏ đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa. Theo các chuyên gia, đây là lúc cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Việc giải ngân chậm và thấp đi nếu không được xử lý sớm chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng. Trong ngắn hạn, bên cạnh nhiệm vụ thường trực là quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì về mặt kinh tế, việc quyết liệt tháo gỡ và thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm cần trở thành ưu tiên trọng tâm, để cùng với đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước sẽ giúp cho kinh tế bật dậy trong nửa cuối năm nay, giúp lấy lại toàn bộ những “thiệt hại” về tăng trưởng GDP mà đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra, qua đó hoàn thành mục tiêu đã đặt ra cho cả năm. (GS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) |