KTĐT - Trong khi phụ huynh bị rối bởi các loại hình trường, thì ngay chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở chưa có sự phân biệt rõ ràng.
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra được khái niệm hay tiêu chí thống nhất nào cho cụm từ “trường quốc tế” thì không ít phụ huynh quan niệm các trường có giáo viên nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài và học phí tính theo USD là trường quốc tế.
Phụ huynh bị “tung hỏa mù”
Gia đình khá giả, chị Thúy (Linh Đàm, Hà Nội) muốn cho con học trường ngoài công lập để con có điều kiện học tập thoải mái hơn. Đối tượng đầu tiên mà chị nhắm đến là nhóm các trường quốc tế. Nhưng suốt hai tháng tìm trường cho cậu con trai lớn vào lớp 1, bé thứ hai đi mầm non, chị thấy “choáng” bởi quá nhiều loại trường.
“Từ trước tới nay mình tưởng chỉ có Unis, Uniworld, Trường Quốc tế Hà Nội là trường quốc tế. Không ngờ khi đi khảo sát, thấy Hà Nội còn rất nhiều trường khác cũng học theo chương trình nước ngoài, do giáo viên nước ngoài dạy, học phí tính theo USD. Nhiều trường mang tên nước ngoài, nghe rất Tây như trường Brendon, trường Newton, trường Dream House…”, chị Thúy chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Thúy, không ít trường trong số này là các trường mới, cơ sở vật chất chưa thật tốt. Trường Brendon mới chiêu sinh được một năm, chỉ có 30 học sinh, lại nằm trong khuôn viên của trường Mầm non Hoa Trà My, cơ sở vật chất khá chật chội. Trường Newton không có trường riêng mà phải thuê tại Khu liên hợp thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình…
Cũng từng tìm hiểu rất nhiều trường quốc tế để gửi gắm bé cưng, chị Nguyễn Thị Thủy (Hà Đông) tâm sự: “Mỗi trường một chương trình, thập cẩm các thể loại: Chương trình theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chương trình theo giáo trình của Anh, của Singapore, của Mỹ… Trường nào cũng quảng cáo rất kêu nhưng tôi thấy rất rối, không thể kiểm tra được chất lượng tới đâu vì không có chuyên môn về lĩnh vực này”.
Khác với chị Thủy, chị Nguyễn Thị Khương (Thanh Xuân, Hà Nội) lại có mối băn khoăn khác: “Tôi thấy các trường nói rằng sau khi học xong thì bằng cấp, chứng chỉ được công nhận ở nước ngoài và học sinh có thể đi du học ở cơ sở giáo dục nước ngoài mà trường liên kết, nhưng tôi cũng không dám chắc là sau khi học xong, con mình có được du học hay không?”.
Đây cũng là lo lắng của rất nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế, sẵn sàng trả học phí cao để con vào trường chất lượng, nhưng bị “tung hỏa mù” về thông tin.
Chưa kể, rất nhiều trung tâm ngoại ngữ cũng lấy danh là trường quốc tế như Trường quốc tế Mỹ, Trường quốc tế Việt - Anh…
Bộ, Sở lúng túng
Trong khi phụ huynh bị rối bởi các loại hình trường, thì ngay chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Sở chưa có sự phân biệt rõ ràng.
Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường quốc tế là trường của các đại sứ quán, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế (ví dụ như trường Pháp, Nhật, Hàn quốc, trường Unis của Liên Hợp Quốc…) hoặc trường do những nhà đầu tư người nước ngoài lập và chủ yếu dành cho con em học sinh người nước ngoài, dạy bằng tiếng nước ngoài.
Nhóm trường này trên cả nước có 28 trường, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội (9 trường) và Thành phố Hồ Chí Minh (15 trường).
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại cho rằng chỉ có các trường đáp ứng đủ 4 tiêu chí (có vốn đầu tư nước ngoài, học theo chương trình nước ngoài, cấp chứng chỉ bằng cấp nước ngoài và có giáo viên nước ngoài) mới là trường quốc tế.
Theo đó, tại Hà Nội chỉ có 4 trường quốc tế gồm Trường Quốc tế Hà Nội, Trường Quốc tế Liên Hiệp quốc, Trường Hàn Quốc tại Việt Nam, Trường Pháp Alexandre Yersin.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lại có quan điểm khác. “Trường quốc tế theo chúng tôi hiểu như là một trường có các điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, có chất lượng giáo dục tốt và bằng cấp được nhiều nước trên thế giới công nhận. Vì vậy, trường quốc tế không hẳn là trường dạy theo chương trình của nước ngoài mà có thể là một trường của Việt Nam, dạy theo chương trình của Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Như vậy, tới thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo vẫn chưa có khái niệm cũng như tiêu chí chính thức nào về trường quốc tế. Theo ông Bảo, vì Bộ chưa có văn bản nào về điều này nên Sở chỉ phân loại theo… kinh nghiệm.
Nhiều bất cập trong quản lý
Chính sự thiếu thống nhất trên đã khiến cho công tác quản lý của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
“Hơn nữa, các văn bản liên quan tới việc quản lý loại hình trường này đã quá cũ, văn bản mới nhất là từ năm 2005. Vì thế, nó không còn phù hợp. Nhiều văn bản rất chung chung nên khó trong thực hiện. Chẳng hạn, theo quy định, Sở thẩm định cấp phép và kiểm tra hoạt động cho các trường này, nhưng không rõ kiểm tra ở mức nào, ngưỡng nào?”, ông Bảo nói.
Cũng cùng ý kiến này, ông Chương cho rằng các quy định pháp lý nhằm quản lý các trường loại hình này còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất gây khó khăn cho việc quản lý.
Không chỉ thiếu thống nhất về mặt khái niệm, quan điểm chỉ đạo từ trên xuống dưới cũng không thông suốt. Trong khi bà Huyền khẳng định rằng các trường không được liên kết với trường nước ngoài trong đào tạo, trừ một số trường thí điểm của Bộ như trường Việt – Úc (ở Thành phố Hồ Chí Minh), thì ông Bảo lại cho rằng việc đào tạo liên kết là được phép.
Bên cạnh đó, chất lượng giảng dạy của một số trường chưa thật tốt. “Trong quá trình dạy, qua dự giờ của một số cơ sở, chúng tôi thấy hiệu quả không cao, giáo viên chưa chuẩn, năng lực sư phạm rất thường mà chỉ có mác là giáo viên nước ngoài”, ông Bảo cho biết.
Ông Bảo cũng thừa nhận rất khó khăn trong quản lý chất lượng giáo viên vì họ là người nước ngoài. Sở mới quản lý được về mặt hành chính nhưng vấn đề quản lý chất lượng thì thực sự chưa sâu sát được, vì nhân lực thiếu, chỉ có 4 người và ngay cả những người làm quản lý cũng không nắm chắc, kiểm định được chương trình.
Một vấn đề khác là học phí. Do hầu hết các trường này đều là các trường ngoài công lập nên được “thả nổi” về học phí, lên tới hàng chục nghìn USD/năm. Ngay cách tính học phí theo đô la Mỹ (USD) chứ không phải theo tiền Việt Nam (VND) cũng là sai quy định. “Chỉ các trường của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, dạy cho người nước ngoài mới được tính học phí theo USD. Còn các trường Việt Nam, phải áp dụng bằng đồng tiền Việt”, ông Bảo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có thể thấy nhan nhản các trường vẫn công khai đăng tải thông tin tính học phí theo USD./.