Nhấp nhổm giá điện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại có một năm kinh doanh lỗ. Khoản lỗ cũ chưa giải quyết xong (còn khoảng 8.800 tỷ đồng) thì tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 lại phát sinh khoản lỗ mới khoảng 8.000 tỷ đồng.

Khoản lỗ này theo giải thích của EVN là do những phát sinh từ giá than tăng, từ thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, tăng phí môi trường rừng, tốn kém chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn... Và để xử lý khoản lỗ này, cách đơn giản nhất mà EVN tìm đến là đề xuất… tăng giá điện!

Tuy nhiên, thực tế trước đây, dù luôn kêu lỗ để xin tăng giá, nhưng khi công bố kết quả sản xuất, kinh doanh thì EVN lại khiến dư luận bất ngờ. Thực tế năm 2012, sau khi dành 3.500 tỷ đồng tiền lãi để bù lỗ kinh doanh điện các năm trước, EVN dành khoảng 2.500 tỷ đồng "chia" cho các đơn vị thành viên. Đáng lưu ý, trước đó, EVN đã tăng giá điện 5% vào ngày 22/12/2012 và thu lợi khoảng 7.000 tỷ đồng. Lần tăng giá điện tiếp theo với 5% vào ngày 1/8/2013 cũng giúp EVN thu lợi về tương đương. Năm 2013, EVN đã 2 lần kiến nghị Chính phủ tăng giá bán điện, mỗi lần tăng thêm 5%, đều với lý do các thông số đầu vào biến động tăng. Với việc tăng giá điện trong năm 2013 đã giúp doanh thu sản xuất, kinh doanh điện của EVN đạt khoảng 172.000 tỷ đồng (lãi khoảng 4.000 tỷ đồng). Sau khi trích để bù lỗ cho kinh doanh điện các năm trước, EVN lãi 120 tỷ đồng.

Năm 2014, lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả nguyên vật liệu trong nước cũng như trên thế giới không cao… là những điều kiện khá thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh điện nên không ít câu hỏi nghi ngờ về báo cáo lỗ của EVN được đặt ra.

Theo Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, EVN được phép điều chỉnh giá điện bình quân kịch trần đến 1.835 đồng/kWh (giá bán điện bình quân hiện nay ở mức 1.509 đồng/kWh), nghĩa là EVN còn dư địa để tăng giá điện trong năm nay, nhưng điều người dân mong muốn đó là việc điều chỉnh phải dựa trên kết quả kiểm toán minh bạch. Và đặc biệt, thay vì đưa ra các lý do để tăng giá bán điện, EVN cần nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí và tổn thất điện năng… để giảm giá thành.