Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhập viện do bị sứa tấn công khi tắm biển

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tại đây đang điều trị cho 1 bệnh nhân nam (40 tuổi ở Hà Nội), và 1 bệnh nhân nữ ở Hải Dương bị sứa tấn công sau khi tắm biển ở Quan Lạn (Quảng Ninh).

 Bệnh nhân nhập viện vì bị sứa đốt tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MT
Trường hợp bệnh nhân nam chỉ ít phút sau khi bị sứa biển đốt, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng của bệnh nhân sưng lên, bị phù nề, đau buốt. Bệnh nhân đã đứng dưới vòi nước ngọt để trôi hết nọc độc sứa. Thế nhưng, cách làm này khiến anh lâm vào trạng thái đau buốt. 
Trong đoàn du lịch của anh cũng có thêm 3 người nữa bị sứa đốt nhưng triệu chứng nhẹ hơn. Trường hợp bệnh nhân nữ thì sau 9 ngày bị sứa biển đốt, trên cổ tay, ngón tay của bệnh nhân này mới bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nước, ngứa, rát khó chịu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc khuyến cáo, khi bị sứa đốt, người dân nên bình tĩnh, tuyệt đối không gãi vào vùng bị đốt hoặc chạm tay vào. Mặt khác, tuyệt đối không dùng nước uống, hoặc nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt vì có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt. Hãy dùng nước muối để rửa vết thương, hoặc ngâm mình trong nước biển sẽ không bị tổn thương nặng nề như những trường hợp chạy thẳng lên bờ rồi tắm tráng.

Ngoài ra, người dân có thể làm dịu cơn đau bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa. Nếu quá khó chịu, hoặc kèm thêm các triệu chứng như: Nổi mẩn nhiều, đau rát hoặc khó thở hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.