Nhiều người cho rằng Nhật Bản sẽ phải mất vài năm, thậm chí lâu hơn nữa để dọn dẹp đống đổ nát và xây dựng lại từ đầu. Nhưng hơn 11 tháng sau thảm họa, cách mà người dân Nhật Bản kiên cường vượt qua nỗi đau, khẩn trương tái thiết đất nước một lần nữa khiến chúng ta phải kính phục.
Hoàn thành dọn dẹp đống đổ nát
Ngày 11/3/2011, vùng bờ biển đông bắc Nhật Bản phải hứng chịu trận động đất mạnh 9 độ richter và những cơn sóng thần cao tới 15m, cướp đi sinh mạng của 15.846 người, trong khi 3.320 người vẫn mất tích. Nhiều thị trấn và làng mạc ven biển bị phá hủy hoàn toàn, gây thiệt hại lên tới hơn 300 tỷ USD. Đặc biệt, thảm họa còn gây ra cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khu vực này bị đảo lộn hoàn toàn. Với nhiều người dân Nhật Bản, mất đi người thân và tận mắt chứng kiến ngôi nhà, thành phố của mình biến mất là cú sốc tinh thần lớn nhất. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, người Nhật đã tiếp thêm sức mạnh cho những người xung quanh để họ tiếp tục sống. Bà Shoji Ai, 77 tuổi, một nạn nhân sống sót sau trận sóng thần đã gặp gỡ từng người ở thành phố Yamamoto, tỉnh Miyagi để chia sẻ những trải nghiệm và động viên họ vượt qua nỗi đau.
Chính quyền Nhật Bản cũng cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi trong việc điều hành và tái thiết đất nước. Công việc dọn dẹp đống đổ nát về cơ bản đã được hoàn thành với cường độ làm việc đến kiệt sức của các kỹ sư, công nhân Nhật Bản và hàng trăm đội tình nguyện quốc tế. Chỉ riêng tỉnh Miyagi, đã có 16 triệu tấn chất thải thiên tai, tương đương với lượng chất thải dân sinh của tỉnh trong 19 năm được dọn sạch, tạo điều kiện cho việc sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng. Việc Cục Tái thiết của Nhật Bản được chính thức thành lập hôm 10/2 là một bước đi của chính quyền nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quá trình xây dựng lại các vùng bị thiệt hại trong vòng 10 năm.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức để hoàn thành công cuộc tái thiết đất nước. Theo báo cáo vừa được công bố, GDP quý 4/2011 của Nhật Bản giảm 2,3%, mức suy giảm lớn nhất của cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới này kể từ khi thảm họa động đất, sóng thần diễn ra. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ năm 1947, chính quyền Nhật Bản phải 4 lần thông qua ngân sách bổ sung trong năm tài chính để hỗ trợ quá trình phục hồi. Đặc biệt, theo ông Hirano Tatsuo, Bộ trưởng phụ trách Tái thiết cho rằng tiến độ dọn dẹp để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, các khu định cư gặp nhiều trở ngại do thiếu nhân lực để phá dỡ và phân loại khối lượng khổng lồ các mảnh vỡ do thiên tai. Tại Ishinomaki có 6,16 triệu tấn mảnh vỡ, con số này ở Iwate là 4,75 triệu tấn và Fukushima là 2,08 triệu tấn.
Một thách thức nữa mà Cục tái thiết phải đối mặt là thực hiện việc di chuyển những nạn nhân sống sót sau động đất lên vùng đất cao hơn. Tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, chi phí để di dời 18.000 hộ gia đình của tỉnh Miyagi lên địa điểm cao hơn đã mất khoảng 2.000 tỉ Yên. Ngoài ra, việc khử trùng, tẩy sạch các khu vực dân cư, tòa nhà công quyền, trường học gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng tốn kém thêm hàng nghìn tỉ yen nữa. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực cũng đang là bài toán khó khi 26 trong tổng số 33 thành phố ven biển bị thiệt hại nặng do động đất đệ đơn xin Chính phủ điều thêm kỹ sư xây dựng, điện, nước... trong khi 7 thành phố yêu cầu được gửi thêm y bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho những người dân đang phải sống trong các khu nhà tạm.
Rõ ràng, người dân Nhật Bản vẫn phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Nhưng chúng ta tin rằng đất nước Nhật Bản với truyền thống kiên cường, kỷ luật sẽ nhanh chóng hoàn thành quá trình tái thiết như là một sự bù đắp cho những mất mát đã qua.