Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhật Bản: Kế hoạch xử lý chất thải nhiễm xạ gặp khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Nhật Bản vừa công bố kế hoạch xử lý chất thải nhiễm xạ nồng độ cao từ các nhà máy điện hạt nhân. Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã xác định tháng 10 là thời điểm đặc biệt để đối thoại với người dân về kế hoạch quan trọng này.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 10, chương trình công bố kế hoạch xử lý chất thải nhiễm xạ nồng độ cao từ các nhà máy điện hạt nhân và đối thoại với người dân được tổ chức tại 9 địa điểm trên toàn Nhật Bản trước cuối tháng này.
Nhật Bản: Kế hoạch xử lý chất thải nhiễm xạ gặp khó - Ảnh 1
Theo bình luận viên cao cấp của Đài truyền hình NHK Mizuno Noriyuki, đằng sau quyết định này là kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, vốn đã bị ngừng hoạt động từ lâu kể từ khi sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra. Vào tháng 8, lò phản ứng số 1 tại nhà máy điện Sendai thuộc tỉnh Kagoshima đã hoạt động trở lại. Lò phản ứng số 2 dự kiến sẽ tái khởi động vào giữa tháng này.

Tuy nhiên, khi các lò phản ứng tái khởi động thì không tránh khỏi việc tạo ra chất thải nhiễm xạ nồng độ cao, trong đó có các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Chất thải lẽ ra được chôn sâu dưới đất vĩnh viễn, nhưng công tác tìm kiếm nơi chôn chất thải cuối cùng lại chưa có tiến triển gì.
Nhật Bản: Kế hoạch xử lý chất thải nhiễm xạ gặp khó - Ảnh 2
Hiện những người chỉ trích kế hoạch nói rằng, sẽ là vô trách nhiệm khi tiếp tục tái khởi động các lò phản ứng mà không tìm được các địa điểm để chôn chất thải vĩnh viễn. Để xoa dịu các chỉ trích này, chính phủ cần phải cho thấy quyết tâm giải quyết vấn đề.

Một trong những điểm trọng tâm của các buổi báo cáo là các điều kiện chính phủ đã đặt ra để xây dựng một địa điểm xử lý chất thải khả thi về mặt khoa học. Hồi tháng 9, một ủy ban chuyên gia đề đạt rằng khu vực chôn chất thải này cần phải cách xa núi lửa ít nhất là 15km và không được gần một phay đứt gẫy nào. Ủy ban cũng nói khu vực này cần phải nằm trong vòng bán kính 20km tính từ bờ biển, trong trường hợp cần vận chuyển chất thải hạt nhân bằng đường biển. Thông qua buổi báo cáo, Bộ công nghiệp có kế hoạch thuyết phục người dân rằng vấn đề an toàn sẽ được đảm bảo nếu những điều kiện này được đáp ứng. Sau đó, bộ có kế hoạch nêu tên những địa điểm dự kiến. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát cho rằng, quá trình lựa chọn sẽ gặp phải không ít khó khăn. Trong buổi báo cáo tổ chức trước đây, người tham gia lên tiếng lo ngại rằng với một đất nước hay bị động đất và núi lửa như Nhật Bản, khá là khó để chôn chất thải dưới đất.

Những người khác bày tỏ lo ngại rằng chính phủ có thể bắt đầu khảo sát mà không lắng nghe ý kiến của người dân địa phương. Điều này cho thấy người dân mất niềm tin sâu sắc ra sao đối với chính sách hạt nhân của chính phủ.

Cũng trong một số buổi họp báo trước đây, hầu hết thời gian là dành cho quan chức chính phủ giải thích và không có nhiều thời gian để người tham gia chất vấn. Vì vậy, để thực hiện thành công kế hoạch này, chính phủ trước hết cần phải nỗ lực để khôi phục được niềm tin của công chúng.