Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Hai bên đang hợp tác xây dựng Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên trong khi dân số lại quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh. Với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn 1945-1954 và phát triển cao độ trong những năm 1955-1973.
Từ năm 1974 tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản tiếp tục là một nước có nền kinh tế - công nghiệp - tài chính thương mại - dịch vụ - khoa học kỹ thuật lớn đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Theo thống kê, GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trong quý 3/2012 giảm 0,9% và cả năm giảm tới 3,5%. Hiện nay, Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ suy thoái lần thứ năm trong 15 năm qua. Tình hình kinh tế Nhật Bản đang trở nên nghiêm trọng hơn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nhật Bản. Nếu so với GDP, Nhật Bản có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới (230%).
Ngày 11/1/2013, Chính phủ của tân Thủ tướng Sinzo Abe đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá hơn 20.200 tỷ yen (226,5 tỷ USD) nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng ảm đạm do giảm phát kéo dài và tình trạng đồng yen tăng giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách khuyến khích đầu tư tư nhân, tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như tiến hành các dự án công quy mô lớn nhằm đẩy nhanh công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011.