Thâm hụt thương mại tăng 8,6% so với năm 2013 lên mức cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 4-9 hàng năm kể từ khi dữ liệu được thu thập từ năm 1979 trong khi giá trị nhập khẩu tăng 2,5% lên mức 41.324 tỷ yen, tăng trong tháng thứ chín liên tục.
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản, lượng nhập khẩu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng (LNG) và dầu lửa tăng lần lượt 8,7% và 7,6%.
Xuất khẩu cũng tăng 1,7% lên mức 35.896,9 tỷ yen, tăng trong quý thứ ba liên tiếp với các sản phẩm chế biến kim loại tăng 26,8% và ôtô tăng 2,6%.
Dỡ hàng từ tàu container tại Cảng quốc tế Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Kết quả trên cho thấy lượng tiền ròng ra khỏi Nhật Bản vẫn đang tiếp diễn trong bối cảnh các công ty điện lực tăng cường sản xuất nhiệt điện thay thế điện hạt nhân đã không còn hoạt động kể từ sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima 1 hồi tháng 3/2011.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng đồng yen mất giá cũng là gnuyên nhân khiến tình trạng thâm hụt thương mại thêm trầm trọng. Trong 6 tháng tính đến tháng 9/2014, đồng yen đã trượt giá so với đồng USD (đôla Mỹ) tới 4,1% so với cùng kỳ năm trước lên mức 102,55 yen/USD.
Đồng yen hạ giá thường hỗ trợ cho xuất khẩu vì hàng hóa Nhật Bản ở nước ngoài rẻ hơn trong khi lại thúc đẩy lợi nhuận ở nước ngoài theo yen nhưng lại đẩy giá cả nhập khẩu tăng cao.
Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu với khoảng 90% nhu cầu năng lượng và 60% nguồn cung thực phẩm.
Riêng trong tháng 9/2014, Nhật Bản gánh mức thâm hụt thương mại 958,3 tỷ yen, mức lớn nhất tính theo tháng và đánh dấu 27 tháng liên tiếp thâm hụt.
Bộ Tài chính lý giải thâm hụt thương mại tăng 1,6% so với năm trước một phần là do hãng Apple nhập khẩu mẫu iPhone mới vào thị trường Nhật Bản.