Nhất tội nhì nợ!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cụ xưa dạy thế để nói về cái sự khổ ải của sự nợ nần. Vậy mà bây giờ, nhiều cá nhân, đơn vị, DN coi nợ là chuyện bình thường, thậm chí nợ này chưa hết, nợ khác đã chồng lên. Chỉ đến khi bị bêu đích danh tên, địa chỉ, số tiền nợ thuế mới nháo nhào tìm cách đối phó.

Trong số các DN bị nêu tên vừa qua có DN nợ thuế tới cả trăm tỷ đồng. Vấn đề dư luận đặt ra là tại sao tình trạng nợ đọng thuế lại ngày một trầm trọng như vậy? Luật Quản lý thuế với các quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu thuế và nộp thuế, không dễ gì để các DN có thể chây ỳ, nhưng thực tế theo báo cáo của ngành thuế thì nguyên nhân nợ thuế “chủ yếu do DN chây ỳ”. Tại sao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “ấm” lên, số dự án mới tăng nhanh, mà tiền nợ thuế đất chậm nộp lại cũng tăng nhanh? Thậm chí có dự án chưa nộp tiền thuế đất nhưng vẫn được khởi công xây dựng. Tại sao DN nợ thuế, giải thể vẫn được thành lập DN mới?... Còn rất nhiều câu hỏi “tại sao” mà người dân, chủ DN tuân thủ nghiêm túc pháp luật thuế muốn đặt ra và đòi hỏi câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng, bởi họ đang phải chịu thiệt thòi hơn những đối tượng chây ỳ, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp, bản chất là chiếm dụng ngân sách Nhà nước để quay vòng vốn.

Cơ quan thuế bên cạnh việc thực thi công vụ cũng là người đồng hành với DN, với phương châm “nuôi dưỡng nguồn thu”. Vậy nhưng, từ cách hành thu của cơ quan thuế “nuôi dưỡng”, “đồng hành” với DN lại thành “nuông chiều”, “cả nể”, thậm chí không loại trừ nhiều trường hợp “bắt tay” với DN để lách các quy định, chắc hẳn cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng nợ thuế cao như hiện nay.

Biện pháp công khai tên DN nợ thuế như những đợt công bố vừa qua bước đầu cũng đã thấy hiệu quả: Những DN bị bêu tên, trong đó có nhiều tên tuổi lớn cũng đã thấy “rát mặt”, có động thái tích cực hơn trong việc nộp thuế. Và đương nhiên, cũng khiến những DN sắp bị bêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng phải khẩn trương hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Để đến mức như thế này, uy tín, hình ảnh của DN ít nhiều cũng giảm sút trước công chúng, đối tác, nhà đầu tư. Còn với cơ quan thuế, thực chất giải pháp này đã được tính đến và trước đó đã cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, vì những lý do này, lý do kia mà cố trì hoãn. Nhưng sức ép thu ngân sách, chỉ tiêu thu thuế cao để đảm bảo nguồn thu trước những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là sức ép công khai, minh bạch trong quá trình hội nhập không cho phép cứ mãi kéo dài tình trạng trên.