KTĐT - Đã ba lần Lan chuyển chỗ làm, nếu lần này lại nhảy công ty khác, liệu có gì chắc chắn là cô sẽ tìm được một công việc ổn định và thoải mái về tư tưởng hơn hay không?
Trong một năm mà nhảy việc đến vài lần, bản thân Lan cũng cảm thấy chán nản, nhưng cứ nghĩ lại những nơi mình đã từng làm, Lan lại lắc đầu ngao ngán. Thật khó để tìm được một chỗ làm thật sự ổn định mà lại thoải mái về tư tưởng, không bị các “chị” soi mói!
Ngay sau khi ra trường, Lan về làm kế toán cho một trường cấp 2, thay vì hàng ngày lên lớp dạy học sinh, Lan làm việc theo giờ hành chính. Bình thường, công việc của cô chỉ bận rộn vào những ngày tính lương và các khoản thu chi thanh toán khác trong trường học. Ngoài ra, những lúc rỗi rãi, Lan lại tranh thủ ngồi học thêm tiếng anh và nghiệp vụ kế toán của mình.
Trong khi đó, các giáo viên trong trường thì tất tả lên lớp mỗi tiết học. Nhất là các “chị” có tuổi, bận việc nhà việc cửa có khi đến muộn giờ, cứ vội cuống lên mới kịp lên lớp, không thì học sinh lại nháo nhác, mất trật tự.
Ấy thế là phát sinh cái chuyện, người này vất vả dạy học, kẻ kia nhàn rỗi ngồi máy tính “làm gì cả ngày không biết”. Và rồi dần dần, Lan bị cô lập, bị nói xấu sau lưng. Các chị, các cô trong trường tự thoả thuận ngấm ngầm tìm cách gạt Lan ra ngoài tập thể. Và kết quả là khi chưa hết hợp đồng thử việc, Lan đã phải tự xin nghỉ làm.
Sau đó ít lâu, Lan xin vào làm kế toán cho một chi nhánh của tổng công ty Bia Hà Nội. Công việc cũng không quá vất vả, nhưng cô được giao cho làm kế toán công nợ. Lan vốn nhanh nhẹn, biết cách làm việc nên cô ngay lập tức quen được với công việc và các đầu khách hàng lâu năm của công ty. Không những thế, cô còn chiếm được cảm tình của phần lớn cánh mày râu trong công ty. Vì vậy, mà vô tình, Lan lại trở thành “cái gai” trong mắt một số chị em phụ nữ.
Dần dần bắt đầu có người xì xào bàn tán nói xấu Lan. Họ nói cô chỉ giỏi lấy lòng người khác chứ trong công việc thì không có chút năng lực nào. Lan rất ấm ức nhưng cô cũng không phân trần giải thích. Cô nghĩ rằng dần dần qua hiệu quả công việc của mình, họ sẽ hiểu cô.
Thế nhưng, khi chưa ai kịp hiểu thực hư thế nào thì chuyện đã đến tai ban giám đốc và chị giám đốc nhân sự được cử xuống để tìm hiểu tình hình. Không may cho Lan, hôm đó cô ra ngoài gặp khách hàng và trên đường về thấy mận ngon đã mua cho các chị em trong phòng. Khi Lan về đến nơi, chị giám đốc nhăn mặt tức khắc khi nhìn túi mận trên tay cô. Và lời đồn đại về một cô nhân viên mới “giỏi lấy lòng người khác” không cần phải kiểm chứng thêm nữa.
Sau lần đó, tuy không ai nói thẳng ra nhưng mọi người đều gây khó dễ cho Lan trong công việc và Lan không thấy thoải mái. Một lần nữa cô lại xin nghỉ việc.
Lần thứ ba, cũng là những tháng cuối năm, Lan xin vào làm cho một công ty truyền thông. Chán ngán với công việc kế toán, cô xin sang làm tổ chức sự kiện và cũng khá tự tin trong lĩnh vực mới này. Rút kinh nghiệm với hai lần trước, cô chủ động nói chuyện với chị em phụ nữ trong công ty và cố gắng hết sức để hòa nhập vào tập thể chung. Mọi chuyện thời gian đầu khá suôn sẻ, vì phần đa nhân viên trong công ty đều trẻ và cùng một lứa tuổi. Ngoài công việc, họ cũng có nhiều mối quan tâm giống nhau.
Tuy mới vào làm, nhưng Lan khá chủ động trong công việc nên luôn đạt được hiệu suất cao. Mới được hơn 3 tháng làm việc, cô đã khẳng định được năng lực của mình, được sếp cất nhắc lên làm trợ lý phòng Event. Ấy thế là mọi chuyện lại bắt đầu với những lời xì xầm bàn tán. Người thì ganh tị vì Lan được thăng chức, kẻ lại cho rằng có lẽ cô đã làm “vợ bé” của sếp nên mới được ưu ái như thế. Lời đồn đại cuối cùng cũng đến tai nạn nhân. Và Lan lại một lần nữa cảm thấy chán nản. Hai chữ “nhảy việc” lại hiện ra trước mắt. Cô không biết mình phải làm gì để có thể yên ổn làm việc mà không lo bị soi mói, ganh tị.
Đã ba lần Lan chuyển chỗ làm, nếu lần này lại nhảy công ty khác, liệu có gì chắc chắn là cô sẽ tìm được một công việc ổn định và thoải mái về tư tưởng hơn hay không? Lan càng nghĩ càng thấy đau đầu. Đến bao giờ cô mới có thể tìm được một công việc vừa ý? Thế mới biết rằng môi trường làm việc quan trọng biết bao!