Túi đồ bất chợ rơi xuống lòng đường, cuốn trong gầm xe ô tô đang lưu thông, tạo không ít phiền toái. 2 chiếc xe dừng lại, chàng trai - chủ chiếc xe ôm vội vã bò lê xuống gầm xe kéo bằng được túi đồ. Cô gái nhỏ nhẹ xin lỗi chủ xe ô tô. Họ nhẹ nhàng giao tiếp: Đồ có sao không?! Dạ không, đồ bình thường không đáng quý ạ. Còn một ít túi nilon mắc vào gầm, không tháo được, chị mang ra cửa hàng sửa xe lấy giúp em… Họ cùng đi và lướt qua nhau, nhưng ấn tượng trong nhịp sống hối hả là giá trị của lời xin lỗi.
Ở một khách sạn sang trọng của Hà Nội, sự kiện kết thúc, một nhóm người mặc váy áo hàng hiệu đi cùng trợ lý và đội ngũ trang điểm của mình bước ra. Họ không may va vào một phụ nữ trung niên khiến bà loạng choạng suýt ngã. Thế nhưng, nhóm người kia vẫn thản nhiên bước qua như chuyện không có gì. Bị nhắc nhở, những người ăn mặc sang trọng đó mới quay đầu mặt lạnh xin lỗi như cái máy.
Chuyên gia tâm lý, TS Huỳnh Văn Sơn từng nói: Không hẳn lời xin lỗi nào cũng đáng quý. Nhưng không phải lời xin lỗi nào cũng dễ dàng thốt ra… Có những lời xin lỗi chân thành. Có những lời xin lỗi nói cho qua hay thành thói quen. Cũng không ít lời xin lỗi theo yêu cầu từ sự khéo léo trong cuộc sống. Lúc ấy lời xin lỗi chỉ là trang sức không hơn không kém. Chỉ tiếc là sự thiếu ăn ý với các trang phục, cá tính và cả điểm đến của ta trên hành trình giao tiếp.
Xin lỗi trong cuộc sống không quá khó. Nhưng không dễ để người ta có thể xin lỗi thật hiệu quả. Có những lời xin lỗi đầy tính cầu thị, có những lời xin lỗi tận đáy lòng, có những lời xin lỗi sâu thẳm trong sự trân trọng thì không nhất thiết phải cầu kỳ hay màu mè. Có lẽ, lời xin lỗi dễ nói nhưng hành động thực với lời xin lỗi ấy thì không phải dễ. Lời xin lỗi cũng không ăn nhập với người sang giàu hay khốn khó. Cuộc sống có quá nhiều tình huống dẫn đến phải nói lời xin lỗi. Đừng quên xin lỗi bằng trái tim, hành động bằng lý trí và ứng xử có tình, có nghĩa để không phải loay hoay với lời xin lỗi.