Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhếch nhác trên tuyến đường cống hóa mương Thái Hà

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, dự án cống hóa mương Thái Hà (hay còn gọi là mương IF) chạy từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến phố Hoàng Cầu, dài khoảng 400m đã được hoàn thiện, với vỉa hè đẹp chạy song song với phố Thái Hà. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường đã trở thành điểm đen về rác thải, nhếch nhác mất cảnh quan đô thị.

 Thùng đựng rác có cũng như không.
Trồng rau, nuôi gà trên vỉa hè
Thời gian đầu mới hoàn thiện, hệ thống dải phân cách giữa vỉa hè đường Thái Hà với lòng đường mương cống hóa được các đơn vị chức năng trồng cỏ xanh, nhằm cải thiện môi trường, cảnh quan đường phố. Nhưng sau một thời gian, thảm cỏ xanh tại đây đã bị những hộ dân mặt đường biến thành nơi trồng rau xanh, nuôi thả động vật. Những đống rác thải sinh hoạt, vật dụng không còn sử dụng… người dân mang ra chất đống bên lan can sắt.
Thậm chí, một số người đã đổ bê tông lên bề mặt dải phân cách lấy chỗ bán hàng, để xe máy… Phần lớn lòng đường, các chủ hàng, quán đã tận dụng cho xe của khách hàng đậu đỗ tràn lan. Phần vỉa hè phía nhà dân được lát gạch, đổ bục bệ dẫn với đủ kích thước, hình dáng trông mất mỹ quan. Phía trên đường dây điện, cáp viễn thông trùng võng bị cuốn chặt bởi cây dây leo, rất nguy hiểm…

Chị Nguyễn Quỳnh Chi, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, ngày nào chị đi qua tuyến phố Thái Hà, vào giờ cao điểm tuyến đường này thường ùn tắc nên phải rẽ vào đoạn đường mới được cống hóa chạy song song. Tuy nhiên, khi rẽ vào đoạn đường này cũng rất khó đi và nguy hiểm vì xe cộ dựng ngổn ngang. “Không hiểu sao tuyến đường rộng giữa Thủ đô, thi công xong lại không được sử dụng mà trở thành nơi để xe phục vụ cho hàng quán, hộ kinh doanh ở đây, trông nhếch nhác” – chị Chi thắc mắc.

Khó quản lý vì nằm trong quy hoạch!

Theo tìm hiểu, tháng 5/2013, TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng xem xét phê duyệt điều chỉnh bổ sung hạng mục xây dựng cải tạo mương Thái Hà vào Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường TP (dự án II). Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được khai thác làm điểm trông giữ phương tiện tĩnh theo đề án của TP. Tuy nhiên, khi tuyến đường hoàn thành, thay vì phục vụ dân sinh, nơi đây chủ yếu phục vụ cho khu nhà mặt phố vốn đang nằm trong quy hoạch xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa (giai đoạn 1).

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những tồn tại của tuyến đường cống hóa mương Thái Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt Hoàng Hoài Loan cho biết, hiện nay, do một số hộ dân sinh sống tại tuyến mặt đường mương quyết liệt phản ứng dự án bãi đỗ xe tĩnh nên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, đoạn đường về phía có nhà dân, từ phố Hoàng Cầu mới đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia các hộ dân tự ý mua vật liệu xây dưng, gạch để lát vỉa hè rộng trung bình từ 4 - 6m và trồng 31 cây sấu cao khoảng từ 4 - 5m. UBND phường đã có văn bản báo cáo thực trạng trên với UBND quận Đống Đa.

Nhằm đảm bảo trật tự đô thị, UBND phường đã giao lực lượng công an và tự quản phường thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm và hàng ngày lập các chốt trực để phân luồng giao thông vào các giờ cao điểm để đảm bảo đường thông hè thoáng, giảm ùn tắc giao thông. Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đống Đa cũng đã bố trí trên dọc tuyến 5 thùng rác loại 660ml.
Tuy nhiên, trong khu Quy hoạch Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa không có tổ dân phố, khu dân cư, chi bộ Đảng nên việc tuyên truyền các vấn đề về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại. Mặt khác do ở trong khu quy hoạch phần lớn là dân các nơi về sinh sống nên ý thức tự giác chưa cao dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại.

Trong khi đợi dự án cống hóa mương Thái Hà thực hiện các bước tiếp theo trở thành điểm đỗ xe tĩnh của TP, các cấp chính quyền từ quận tới phường cần có phương án quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn hạ tầng kỹ thuật cũng như trật tự, văn minh đô thị.