70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn: Xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tổ chức khai thác, đăng ký và quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, tổ chức thu hoặc ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và cá nhân theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước chuyển sang để chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Tổ chức ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện giám định bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế; bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và chống lạm dụng, trục lợi chế độ bảo hiểm y tế.
Kiểm tra việc đóng, trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân; từ chối việc đóng và yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật;...
Về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bao gồm: quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;
Hằng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế sau khi được Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội phê duyệt; thực hiện quản lý rủi ro đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Hệ thống tổ chức
Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương gồm có:
1- Ở Trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bảo hiểm xã hội tỉnh) trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
3- Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bảo hiểm xã hội huyện) trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
4- Không tổ chức đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 05 Phó Tổng Giám đốc.
Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở trung ương gồm: 1- Vụ Tài chính - Kế toán; 2- Vụ Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Thanh tra - Kiểm tra; 4- Vụ Thi đua - Khen thưởng; 5- Vụ Kế hoạch và Đầu tư; 6- Vụ Tổ chức cán bộ; 7- Vụ Pháp chế; 8- Vụ Quản lý đầu tư quỹ; 9- Vụ Kiểm toán nội bộ; 10- Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; 11- Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; 12- Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; 13- Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 14- Viện Khoa học bảo hiểm xã hội; 15- Trung tâm Truyền thông; 16- Trung tâm Công nghệ thông tin; 17- Trung tâm Lưu trữ; 18- Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến; 19- Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; 20- Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội; 21- Tạp chí Bảo hiểm xã hội.
Các đơn vị quy định từ (1) đến (13) nêu trên là các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, các tổ chức quy định từ (14) đến (21) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc và quy định kinh phí hoạt động của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Số lượng Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh bình quân không quá 03 người.
Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế và quy định kinh phí hoạt động của Bảo hiểm xã hội huyện.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để thành lập các Tổ nghiệp vụ ở Bảo hiểm xã hội huyện trên cơ sở nguyên tắc thành lập Tổ nghiệp vụ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện; Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng các Tổ nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành. Số lượng Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện bình quân không quá 02 người.