70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiệt điện than: Chưa thể bỏ

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều ý kiến lo ngại về ô nhiễm môi trường khi Việt Nam triển khai nhiệt điện than, thậm chí, một số địa phương có xu hướng “tẩy chay” nguồn phát điện này.

Song, trong bối cảnh hội nhập, để đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt, nhiệt điện than vẫn được đánh giá là năng lượng quan trọng trong cơ cấu nguồn điện.
Chiếm 53% tổng sản lượng điện

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018 - 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.
 Công nhân EVN Hà Nội kiểm tra nguồn điện. Ảnh: Khắc Kiên
Báo cáo từ Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra, nguồn thuỷ điện lớn và vừa cơ bản đã khai thác hết. Điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4%. Điện hạt nhân đã được Quốc hội dừng thực hiện. Đối với nguồn điện nhập khẩu hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào. Con số dự kiến sẽ tăng từ 3 - 5 lần trong thời gian tới. Đối với nhiệt điện khí trong nước, trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao, sơ bộ giá điện khoảng 2.700 - 2.800 đồng/kWh… Trong khi đó, nguồn nhiệt điện than có giá hợp lý, có vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện, lượng điện năng sản xuất năm 2030 của nhiệt điện than chiếm trên 53% tổng sản lượng điện của hệ thống.

Thực tế cho thấy, nếu thay 100MW nhiệt điện than tương đương 7 tỷ kWh/năm (giá điện 1.600 đ/kWh) bằng nhiệt điện khí LNG (giá điện 2.100 đ/kWh) sẽ tăng chi phí phát điện thêm khoảng 3.500 tỷ đồng/năm. Không chỉ tại Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia, nhiệt điện than cũng đang được xem là xương sống ngành công nghiệp điện.

"Nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi; nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ), nguy hại. Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này và các nhà máy cơ bản đã làm rất tốt. Đặc biệt là việc thực hiện quan trắc liên tục khí thải của nhà máy và truyền số liệu về Sở TN&MT để giám sát, thực hiện quan trắc liên tục (Clo dư, pH, lưu lượng) tại cửa xả để giám sát chất lượng nước làm mát." - Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường

(Tổng Cục Môi trường - Bộ TN&MT) Phạm Anh Dũng

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản đối, “tẩy chay” nhiệt điện than là do lo ngại đến yếu tố môi trường của các dự án này. Bàn về vấn đề này, Trưởng ban KHCN&MT (EVN) Nguyễn Tân Bình thông tin, hiện các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Các kết quả đo đạc, phân tích cho thấy, phát thải của các nhà máy thường thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn môi trường quy định. Tình hình tiêu thụ tro xỉ đối với các nhà máy nhiệt điện than được EVN xử lý tương đối tốt...

Phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam thẳng thắn, sao không cảnh báo ngay cho nước Mỹ, có sản lượng nhiệt điện than gấp cả trăm lần nhiệt điện than Việt Nam; hay Úc có nhiệt điện than gấp 22 lần, cho nước Đức gấp 15 lần, cho Hàn Quốc gấp 12 lần và đặc biệt là Trung Quốc gấp 185 lần... Phải khẳng định, hiện tại Việt Nam nhiệt điện than có công nghệ xử lý môi trường tốt nhất và luôn đạt các quy chuẩn quản lý môi trường của quốc gia… Các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh hội nhập, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện)...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Trong giai đoạn 2016 - 2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016 - 2020, 2021- 2025 và 2026 - 2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%. “Để đáp ứng nhu cầu điện cần phát triển nguồn điện hài hòa nhất là trong bối cảnh các thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế. Trong bối cảnh hội nhập, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.