Theo văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, CPI bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 9 năm 2017 so với tháng 12 năm 2016 chỉ tăng 1,83%. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,45%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6 - 1,8%). Theo nhận định tại văn bản do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm cho thấy lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%.
|
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại Siêu thị Hapro. Ảnh: Trần Việt |
Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích mới nhất của SSI thì CPI tháng 10 tăng 0,41%, kéo dài chuỗi tăng của CPI sang tháng thứ 4. Cơ cấu ảnh hưởng đến CPI của giáo dục và y tế, 2 nhóm mặt hàng chịu điều tiết bởi quyết định hành chính, có sự thay đổi so với tháng 9. CPI Giáo dục tăng 0,19%, thấp hơn nhiều mức tăng của tháng 9 tăng 5% do chỉ có 6 tỉnh tăng học phí (tháng 9 là 53 tỉnh). CPI Giáo dục tăng thấp tạo điều kiện cho ngành y tế tăng giá. Có 9 tỉnh tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 10 so với 3 tỉnh trong tháng 9 và vì vậy CPI y tế tháng 10 tăng 2,14%.
Hai nhóm hàng hóa mang tính thị trường hơn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống và giao thông cũng diễn biến ngược so với tháng 9. CPI hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31% sau tháng 9 gần như đứng yên. Trong cấu thành của hàng ăn và dịch vụ ăn uống, CPI lương thực tăng 0,51%, mức cao nhất 17 tháng do lũ lụt vào đầu tháng 10 ở phía Bắc làm tăng giá lương thực cục bộ và nhu cầu thu mua gạo ở miền Nam cho hợp đồng xuất khẩu. Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cuối tháng 10 dao động từ 5.600 – 5.700 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg (+8,8%) so với cuối tháng 9. Bên cạnh lương thực, CPI thực phẩm gồm rau xanh, thủy sản, gia cầm tươi sống… đều tăng.
Thận trọng trong điều hành giá Giới chuyên gia phân tích, từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như áp lực tăng giá của một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, nhu cầu hàng hóa gia tăng để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết và tình hình phức tạp của thiên tai, thời tiết. Do đó, trong công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4%, góp phần tiết giảm chi phí cho DN, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện đưa giá các mặt hàng thiết yếu (y tế, giáo dục, điện) theo lộ trình giá thị trường.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI cho biết, CPI tính từ đầu năm đến hết tháng 10 tăng 2,25%, đây là mức tăng thấp hơn nhiều mức kiểm soát 4% theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, những yếu tố mùa vụ kết hợp với thời tiết bất lợi và giá dầu tăng sẽ đẩy cao lạm phát của 2 tháng cuối năm.
Về một số mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định thị trường, nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất 2018.