Nhiều băn khoăn về chất lượng ​nước uống trong trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh nỗi lo thực phẩm đưa vào bếp ăn nhà trường, nước uống trong trường học cũng đang là nỗi băn khoăn không nhỏ của phụ huynh khi năm học mới bắt đầu.

Nhiều người cho rằng, ngay cả việc giữ vệ sinh các bình chứa, cốc uống nước ở lớp học cũng chưa được quan tâm đúng mức, dễ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh (HS).

Nỗi lo thường trực

Từ nhiều năm nay, hầu hết các nhà trường trên địa bàn TP đều ký hợp đồng với các công ty nước tinh khiết, đưa nước uống vào trường phục vụ HS. Việc này được các trường thường thỏa thuận với phụ huynh thu tiền hàng tháng. Và mỗi trường chọn một nhà cung cấp, nước đóng bình đưa vào trường học mỗi nơi một nhãn hiệu khác nhau. Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) dùng nước nhãn hiệu Ngọc Việt, trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) dùng bình nước Tado, trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn) dùng nhãn nước Trung Việt…
Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) sử dụng nước nhãn hiệu Ngọc Việt cho học sinh.
Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) sử dụng nước nhãn hiệu Ngọc Việt cho học sinh.
Đúng là dùng nước đóng bình thuận tiện hơn cho HS, nhất là với HS được học bán trú 2 buổi/ngày, song nhiều câu hỏi đặt ra: Nguồn nước có đảm bảo chất lượng? Ai kiểm soát nguồn cung cấp nước?

Một phụ huynh có con học lớp 2, nhà ở phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc đảm bảo yêu cầu vệ sinh cũng khó có thể kiểm soát khi nước chủ yếu chỉ bằng cảm quan bề ngoài: “Đến đón con hàng ngày, thường chứng kiến các con mồ hôi nhễ nhại, tay bẩn tranh nhau uống chung một cốc nước. Cả lớp 50 - 60 HS, có vài cái ca, cốc nhựa. Điều này dễ khiến các con bị lây những bệnh truyền nhiễm”. Ngoài việc uống chung cốc, khá nhiều phụ huynh lo ngại chất lượng những bình nước do các công ty sản xuất nước đóng bình cung cấp mà nhà trường ký kết. Nguồn nước này có đảm bảo chất lượng không, rồi khi ký kết, nhà trường có kiểm định nguồn nước không?

Tìm hiểu về vấn đề này ở các trường được biết, hình thức phổ biến mà các trường sử dụng khi ký kết với các công ty nước tinh khiết là đảm bảo đủ nước uống cho HS trong suốt quá trình học, không cụ thể bao nhiêu tiền một bình và bao nhiêu bình/một lớp/tháng. Ví như ở trường THPT Đồng Quan, nhà trường thu 12.000 đồng/HS/tháng. Toàn bộ số tiền nước thu từ 1.500 HS của trường được chuyển cho công ty cung cấp nước đóng bình để đảm bảo nước cho HS suốt 9 tháng của năm học. “Đa số các trường của huyện Phú Xuyên đều làm như thế này” - ông Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan cho biết. Tuy nhiên, như vậy nỗi băn khoăn về chất lượng nước vẫn chưa được giải tỏa. Chị Bùi Thị Vân (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Theo tôi, khi ký hợp đồng nước uống, nhà trường nên có cam kết: Các công ty phải có giấy phép, chứng nhận nguồn nước đảm bảo vệ sinh, đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải mang nước đi kiểm định xem nguồn nước này có đảm bảo hay không, chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào Giấy chứng nhận của bên cung cấp nước. Bởi rất có thể vì lợi nhuận mà chính công ty cung cấp nước “tinh khiết” chỉ làm giấy tờ cho phải phép, còn thực tế nước có thực sự “tinh khiết” hay không thì rất cần đến sự quan tâm của nhà trường, cơ quan có thẩm quyền”.

Trước câu hỏi về nước uống trong trường học, bà Đường Thị Lệ - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, quận Hà Đông cho biết, chuẩn bị cho năm học mới, vấn đề ATTP được quận quan tâm, triển khai xuống từng trường. “Quận có văn bản chỉ đạo tới các nhà trường, yêu cầu nhà trường phải đảm bảo vấn đề ATTP. Đặc biệt là nước uống cho HS, nước uống phải được đun sôi. Tuy nhiên, cũng có trường, phụ huynh yêu cầu cho các con sử dụng nước tinh khiết. Quận đề nghị nước uống đưa từ ngoài vào phải có giấy tờ, giấy phép và có giấy kiểm định nguồn nước của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận nguồn nước đảm bảo, an toàn. Nếu để xảy ra ngộ độc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Yêu cầu các nhà trường thực hiện đúng theo hướng dẫn, quy định của Sở GD&ĐT” - bà Lệ cho biết.

Có thực sự “tinh khiết”?

Do công tác quản lý mặt hàng nước đóng chai, đóng bình còn bất cập, các loại nước uống chất lượng kém từ các nhà sản xuất tư nhân nhỏ lẻ xuất hiện tràn lan trên thị trường, len lỏi cả vào các trường học. Theo thời giá thị trường, một bình nước 20 lít đảm bảo chất lượng của các nhà sản xuất có uy tín dao động từ 45.000 – 50.000 đồng. Tuy nhiên, để có được hợp đồng cung cấp nước uống lâu dài cho một trường học nào đó, các đại lý, công ty cung cấp nước không ngại trích “hoa hồng” từ 10 - 15% tổng giá trị bình nước cho người ký hợp đồng. Vì thế, nhiều người càng băn khoăn về mức độ “tinh khiết” của các loại nước đóng bình cung ứng cho các đơn vị, trường học hiện nay. “Hiện có rất nhiều các loại nước uống đóng bình bán trên thị trường và tiện cho người sử dụng. Nhưng có phải loại nước nào cũng đảm bảo vệ sinh và đúng giá trị “tinh khiết” của nước uống? Đáng chú ý nhất là loại nước uống đóng bình siêu rẻ tràn ngập thị trường. Chỉ cần một tin nhắn, một cuộc điện thoại, hàng chục nhãn hiệu nước uống đóng bình sẽ được đại lý mang đến tận nhà với giá cực rẻ. Như vậy, liệu nguồn nước này có đảm bảo cho HS không?” - phụ huynh Nguyễn Ánh Tuyết (quận Hai Bà Trưng) thắc mắc.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục VSATTP luôn phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong việc thanh, kiểm tra các bữa ăn, nước uống trong trường học. Trong đợt kiểm tra gần đây nhất, với những trường trực tiếp đun và cấp cho nước uống HS, Chi cục VSATTP đã tiến hành xét nghiệm định kỳ nguồn nước 6 tháng/lần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của HS, Ban giám hiệu các nhà trường cần tăng cường kiểm tra tại các cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra đột xuất tại các cơ sở cung cấp nước uống đóng bình cho HS” – ông Tụ nhấn mạnh.

Trước các vấn đề trên, đặc biệt là vào năm học mới 2015 - 2016, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở GD&ĐT nâng cao nhận thức, thực hành đúng quy định về ATTP cho cán bộ quản lý và những người tham gia việc nấu, chế biến, cung cấp suất ăn cho HS; 100% các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với những cơ sở cung ứng thực phẩm, nước uống có giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện ATTP”.
Hiện nay, HS trên toàn trường sử dụng nước uống TADO do Công ty CP Nước tinh khiết TADO, có dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết ở Tân Độ, Hồng Minh, Phú Xuyên. Trước khi ký hợp đồng với Công ty, chúng tôi đã yêu cầu họ cung cấp những giấy tờ kiểm nghiệm, nguồn nước. Để đảm bảo sức khỏe HS, 6 tháng/lần, chúng tôi mang mẫu nước đi kiểm nghiệm ở Trung tâm Y tế huyện. Kết quả cho thấy, mẫu nước của Công ty sản xuất đảm bảo yêu cầu. Nếu xảy ra sự cố, Công ty phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
Ông Lê Văn DũngHiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên)
Tận mắt nhìn thấy trong đáy bình nước vẩn đục, tôi thấy lo lắng, không an tâm với những bình nước được gọi nước “tinh khiết” này. Do vậy, tôi thường phải đun nước sôi để nguội cho vào bình nước nhỏ cho con mang đi học. Theo tôi, các nhà trường cần chú trọng hơn nữa đến nguồn nước, dụng cụ ca, cốc, có thể mua loại cốc giấy, dùng một lần để đảm bảo vệ sinh, tránh lây bệnh truyền nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho HS.
Chị Nguyễn Vân Quỳnh - Khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa)