Thêm điều kiện nhập cư vào thành phố lớn
Thảo luận về điều kiện công dân được nhập cư vào các TP lớn trực thuộc T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, những sửa đổi mới đã chặt chẽ hơn quy định hiện hành và đây là sự sửa đổi, bổ sung cần thiết của Luật Cư trú, khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng để đăng ký thường trú tại nội thành, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội...
Tuy nhiên, về điều kiện "phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng" như trong Dự thảo luật là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. Cùng với đó, quy định mới là được đăng ký nhập cư khi có nhà ở thuộc sở hữu của mình mà không tính đến việc người dân có thực sự cư trú thường xuyên ở đó hay không là vấn đề cần được cân nhắc kỹ.
Theo các thành viên UBTVQH, một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bình luận: Quy định như Dự thảo lúc "cứng" quá; lúc lại quá đơn giản, có thể tạo ra kẽ hở. Tuy những nội dung sửa đổi, bổ sung không nhiều, nhưng đây là những vấn đề quan trọng, có tác động lớn và rộng rãi đến người dân nên cần có sự tổng kết thấu đáo trước khi ban hành luật, đúng theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật chứ không nên chỉ sơ kết.
Không đồng tình xóa tên trong hộ khẩu thường trú
Liên quan đến quy định cấm việc giả mạo ký hợp đồng lao động không thời hạn nhằm mục đích để nhập hộ khẩu vào TP trực thuộc T.Ư, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Quy định này chưa đầy đủ và chặt chẽ. Bởi chúng ta cấm những hành vi giả mạo để đăng ký hộ khẩu, chứ không phải cấm họ ký hợp đồng lao động.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Nguyên tắc là người dân phải được tự do cư trú, đi lại, được chăm sóc y tế, có chỗ học hành...; việc đăng ký thường trú, tạm trú phải thông thoáng, khuyến khích được người dân đến thực hiện các thủ tục này với cơ quan quản lý. Luật về cư trú mà điều chỉnh cả quan hệ lao động là không phù hợp".
Về quy định xóa tên người dân trong hộ khẩu thường trú trong một số trường hợp như: Khi đi công tác nước ngoài từ hai năm trở lên, đi nghĩa vụ quân sự hoặc chấp hành hình phạt tù... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: Quy định này gây khó khăn cho công dân khi ra nước ngoài học tập, lao động bởi tâm lý phải lo giữ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, nên trong quá trình học tập, lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn 2 năm. Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Không có cớ gì tôi đi nước ngoài mà lại xóa tên tôi, trong khi quốc tịch còn được giữ. "Thay vì "xóa tên", hoàn toàn có thể cập nhật thông tin vào sổ hộ khẩu với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện" - Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Cùng ngày, UBTVQH cũng đã thảo luận về Tờ trình của Chính phủ về bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và năm 2012 cho một số dự án quan trọng cấp bách; Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị bổ sung thành viên hội đồng thẩm phán… và bế mạc phiên họp.