Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bản làng đổi thay sau những chương trình lao động nước ngoài

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Những năm gần đây, số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn luôn có xu hướng tăng, các chương trình hỗ trợ người dân đi xuất khẩu đã góp phần giúp họ thuận lợi hơn và mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo.

Mạnh dạn “xuất ngoại” để “đổi đời”

Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Nghệ An, là địa bàn giáp ranh với nước bạn Lào với đường biên hơn 200km, huyện Kỳ Sơn có 21 xã,  thị trấn trong đó có 11 xã biên giới. Theo thống kê, là địa bàn huyện có tới 96% bà con người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Thái, Khơ Mú, H Mông, Hoa. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Kỳ Sơn còn chiếm hơn 44%.

Do đặc thù về địa hình núi cao hiểm trở, điều kiện tự nhiên khí hậu khắc nghiệt, việc giao thương đi lại còn hạn chế, kinh tế hộ gia đình bao đời nay chủ yếu dựa vào rừng nên đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn khá bấp bênh, khó khăn. Đời sống bà con nơi đây phụ thuộc vào các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ chính sách hướng nghiệp, dạy nghề và xuất khẩu lao động, nhiều gia đình, bản làng ở huyện miền biên Kỳ Sơn bắt đầu đổi thay mạnh mẽ hơn. Người dân trong độ tuổi lao động, đặc biệt lứa tuổi thanh niên, mạnh dạn tham gia các chương trình lao động nước ngoài để kiếm thu nhập ổn định, đưa kinh tế gia đình thoát nghèo bền vững.

Đơn cử như địa bàn xã Tà Cạ, tính riêng trong năm 2024 có tới 150 người đi XKLĐ ở các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc...Lao động địa phương đi xuất khẩu các nước đều theo diện được hỗ trợ từ các chính sách từ việc hướng nghề, đào tạo học nghề, hỗ trợ vốn đi ban đầu...Những chính sách đó như đòn bẩy, giúp người lao động mạnh dạn lựa chọn phù hợp với bản thân để tham gia các chương trình XKLĐ nhằm kiếm công việc và thu nhập ổn định.

Bản Bình Sơn 2 nay mọc lên nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang, đa phần các hộ trong bản đều có người thân đi XKLĐ. Năm 2024 bản Bình Sơn 2 có tới 30 người tham gia các chương trình hỗ trợ XKLĐ tìm kiếm việc làm với thu nhập khá ổn định. Nhiều gia đình từ nghèo khó, cuộc sống kinh tế bấp bênh, nay đổi thay thoát nghèo hoàn toàn như các hộ Lữ Văn Lít, Lữ Văn Kèo...

“Đời sống người dân bản tôi nay đã khởi sắc nhiều, nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang, nhiều hộ nghèo nay đã thoát nghèo, có của ăn của để... Tất cả là nhờ mạnh dạn theo các chương trình XKLĐ sang các nước theo chính sách hỗ trợ của chính quyền. Nhiều gia đình sau những năm tháng lao động ở nước ngoài, về địa phương có tiền thì bắt đầu đầu tư nhiều đàn bò, đàn lợn kiểu trang trại, có hộ thì đầu tư hàng quán, kinh doanh...Kinh tế các hộ nay vững vàng lắm” - Trưởng bản Bình Sơn 2 (xã Tà Cạ) Cụt Văn Sốt cho biết.

Mũi nhọn giúp bà con thoát nghèo

Cũng như xã Tà Cạ, xã Chưu Lưu, huyện Kỳ Sơn nằm cách trung tâm huyện 19 km  về phía đông, xã có diện tích tự nhiên là 12.053.88ha, có 11 bản, hơn 7.000 nhân khẩu, hộ nghèo 586 hộ, chiếm 39,73%, hộ cận nghèo 268 hộ chiếm 18,17%. Là địa bàn xã có dân số chủ yếu người dân tộc thiếu số gồm: Thái, Khơ Mú, H Mông.

Toàn xã Chiêu Lưu hiện có 183 người đi XKLĐ, tính riêng trong năm 2024 là 55 người chủ yếu đi các nước Đài loan, Hàn Quốc, thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/tháng. Nhờ vào các chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề, cho vay vốn chính sách mà các gia đình đã mạnh cho con em hướng tới XKLĐ ở các nước để kiếm thu nhập ổn định. Gia đình này rồi đến gia đình khác, nhiều bản làng thanh niên độ tuổi hết học 12 đã bắt đầu theo nhau đăng ký học nghề theo các chương trình lao động để mong mỏi sẽ có cuộc sống khởi sắc hơn.

Bí Thư Đảng ủy xã Chiêu Lưu La Văn Táy cho biết, đời sống người dân lâu nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, sản xuất nông nghiệp nhưng hết sức bấp bênh. Dù chính quyền, người dân hết sức nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhưng vẫn ngổn ngang khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, vẫn phụ thuộc lớn vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Cũng hết sức phấn khởi, những năm gần đây kinh tế nhiều gia đình khởi sắc, thoát nghèo bền vững nhờ mạnh dạn tham gia các chương trình lao động trong nước, đặc biệt là đi XKLĐ ở các nước theo diện chính sách hỗ trợ.  

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Kỳ Sơn Vi Văn Oanh cho biết, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tính riêng trong năm 2024 đạt được như việc giải quyết việc làm trong nước, chỉ tiêu giao 1.000 người nhưng kết quả đạt được là 1.181 người, đạt tỷ lệ 118,1% theo kế hoạch.

Xuất khẩu lao động, chỉ tiêu đặt ra 160 người; kết quả đạt được 148 người, đạt tỷ lệ 92,5% so với kế hoạch. Trong đó cụ thể người lao động đi các nước như : Đài Loan 97 người; Nhật Bản 41 người; Trung Quốc: 03 người; Hàn Quốc 05 người; Ba Lan Ba Lan 01 người và Algeria 01 người

“Trong định hướng của huyện về công tác giảm nghèo, cần tập trung như Lao động việc làm trong nước; Xuất khẩu lao động theo hợp đồng; Đào tạo nghề. Có thực hiện tốt các mục tiêu như đã định thì nhân dân Kỳ Sơn mới có điểm tựa bền vững để nhanh thoát nghèo..” ông Oanh nhấn mạnh.  

Nhờ các chính sách từ Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động như: vay vốn, hỗ trợ kinh phí trong thời gian học định hướng, một phần chi phí đi ban đầu...Nên các chương trình XKLĐ luôn đón nhận sự quan tâm lớn từ nhân dân. Hiện nay, khó khăn nhất là công tác truyền thông để người dân nắm bắt được các thị trường lao động để từ đó có lựa chọn phù hợp, đúng với điều kiện bản thân, gia đình để thuận lợi cho quá trình đào tạo nghề cũng như đi lao động nước ngoài...