Cầu Chiếc nằm tại km8 + 255 thuộc địa bàn xã Hiền Giang được xây dựng từ năm 1999, bảo đảm cho xe có tải trọng đến 10 tấn lưu thông. Năm 2010, cầu đã được gia cố, cải tạo mặt cầu bằng tấm đan sắt thép do bị xuống cấp. Đến năm 2016, cầu tiếp tục được cải tạo để chống xuống cấp. Tuy nhiên, do lưu lượng xe quá tải từ QL 1A đi qua cầu sang QL 21B và đường trục phát triển phía Nam ngày một tăng khiến cầu Chiếc phải “oằn mình” chịu tải, dẫn đến bị xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại.Ngày 15/2/2019, Sở GTVT Hà Nội giao Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ I Hà Tây cải tạo cầu Chiếc bằng bê tông cốt thép và lan can có tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Theo cam kết đến ngày 10/3 dự án (DA) sẽ hoàn thành. Trong thời gian thi công, xe ô tô dưới 2,5 tấn, xe cơ giới… phải đi qua gần 2km đường đê sông Nhuệ chưa được xây dựng, không có đèn đường và chạy qua cả tuyến đường liên thôn xã Tiền Phong. Những ngày gần đây, do lưu lượng xe ô tô tải chạy qua đường đê bằng đất suốt ngày đêm khiến hàng trăm vị trí bị sụt, lún, tạo thành ổ gà sâu 20 - 40cm và bụi gây ô nhiễm môi trường.Bà Nguyễn Thu Hằng, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong cho biết: Từ ngày các đơn vị thông báo phân luồng cho xe đi tạm trên đường đê sông Nhuệ và đường liên thôn của xã, tình trạng ùn tắc, ồn ào do tiếng động cơ các loại xe gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân ở đây. Cùng với đó là nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em khi lưu thông trên đường làng. Không chỉ có vậy, đơn vị thi công cầu cũng như chính quyền các cấp huyện Thường Tín không lắp đặt đèn chiếu sáng dọc tuyến đường đê khiến gia tăng nguy cơ ô tô, xe máy lao xuống sông khi lưu thông qua đây vào buổi tối, đêm.Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Thường Tín Ngô Quốc Cường cho biết: Đội đã bố trí cán bộ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức ứng trực phân luồng đường đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông tạm thời qua một số tuyến đường của xã Tiền Phong và đường đê sông Nhuệ vào cung giờ cao điểm từ ngày 15/2. Do tuyến đường ở đây hẹp, làm bằng đất, có nhiều vị trí đang bị lún sâu 40cm khiến các phương tiện phải đi rất chậm, ùn tắc, va chạm giao thông là khó tránh khỏi. Còn, việc cải tạo, san gạt những vị trí mặt đường bị lún, sụt và bố trí điện chiếu sáng tạm thời phục vụ đi lại vào ban đêm, trách nhiệm này thuộc về đơn vị thi công cầu Chiếc.Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ I Hà Tây Phùng Tuấn Minh chia sẻ, thời gian thực hiện cải tạo và hoàn thành DA đã được đăng tải đầy đủ trên phương tiện thông tin đại chúng để chủ phương tiện nắm bắt điều chỉnh đi lại. Trước khi rào chắn cầu để thi công, công ty đã khảo sát và san gạt tuyến đường đê sông Nhuệ đi qua xã Tiền Phong. Tuy nhiên, do lưu lượng xe ô tô tải chạy qua đây rất đông khiến nhiều vị trí mặt đường bắt đầu bị lún, gây khó khăn cho việc đi lại. “Để đảm bảo cho xe lưu thông qua đây trong khi chờ cải tạo cầu Chiếc hoàn thành vào ngày 10/3, công ty sẽ tổ chức san gạt các vị trí mặt đường bị lún, đồng thời phối hợp với Công an huyện, Đội Thanh tra GTVT huyện Thường Tín, UBND xã ứng trực phân luồng đường đảm bảo cho các phương tiện thông suốt” - ông Minh khẳng định.