Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều bất cập trong quản lý vận tải du lịch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không biết căn cứ vào đâu mà các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn lại ra quyết định thành lập "Hợp tác xã quản lý hồ Ba Bể," vượt qua cả Quyết định thành lập Vườn Quốc gia Ba Bể của Chính phủ?

Hồ Ba Bể là một điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương của tỉnh miền núi Bắc Kạn, nhưng hiện nay, tình trạng lộn xộn trong quản lý bến thuyền, vận tải du lịch ở đây đang gây mất thiện cảm với du khách.

Lộn xộn trong quản lý bến thuyền du lịch

Việc người dân sống trong vùng lõi, cạnh hồ Ba Bể được khuyến khích tham gia trực tiếp vào làm du lịch trong các dự án du lịch cộng đồng, vừa đảm bảo đời sống cho người dân vốn nhiều đời dựa vào rừng để sinh tồn, lại bảo tồn, phát huy giá trị của rừng là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến luộm thuộm, tranh chấp nhau trong việc chở khách, chỗ bán hàng.

Bà Nguyễn Thị Bình, một Việt kiều từ Đức cho biết, lần đầu tiên đến thăm Ba Bể, được đi thuyền dọc sông Năng, qua Động Puông - một động vòm đá có sông Năng chảy qua, rồi vào hồ Ba Bể, một hồ tự nhiên rộng mênh mông, phong cảnh rất đẹp, mang lại cho bà một cảm giác tuyệt vời. 

Tuy nhiên, bà Bình cho rằng, những người làm du lịch ở Hồ Ba Bể cần phải đầu tư thêm hạ tầng cho điểm du lịch này. Hạ tầng xuống cấp, đường xấu, bến thuyền chật chội, lộn xộn, chỗ đỗ xe, quay xe đều khó. Thuyền chở khách, tiếng máy quá to nên không nghe được thuyết minh, những người ngồi cùng thuyền muốn nói chuyện, trao đổi đều rất khó.

Chị Triệu Thị Xuyến, người Dao, ở thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu (Ba Bể) thường xuyên bán hàng ở bến thuyền phía Nam hồ Ba Bể cho biết, cách quản lý bến thuyền hiện nay chưa được, vẫn còn tình trạng tranh khách, thậm chí đánh nhau để chở khách nhưng chính quyền, công an, ban quản lý đều không giải quyết được. Nhà nước kêu gọi người dân tham gia làm du lịch, bán những sản phẩm đặc thù của miền núi nhưng chỗ bán hàng không có, nên gây ra sự lộn xộn, lấn chiếm cả đường.
 
Nhiều bất cập trong quản lý vận tải du lịch - Ảnh 1
 
Du lịch trên hồ Ba Bể. (Ảnh : Hữu Oai/TTXVN)

Các cơ quan chức năng nói gì

Theo ông Nông Văn Khuê, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, thì việc thành lập hợp tác xã vận tải hành khách du lịch để điều hành tập trung hoạt động đưa đón du khách tham quan hồ Ba Bể là cần thiết. Tuy nhiên, việc giám sát, kiểm tra hoạt động của hợp tác xã cùng việc quy định trách nhiệm giải quyết các vấn để mất an toàn, mất trật tự, vệ sinh môi trường ở bến thuyền và trên khu vực hồ Ba Bể còn chưa rõ ràng, nhiều bất cập từ các văn bản của tỉnh, huyện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thì bản thân tên gọi của hợp tác xã vận tải hành khách đã không hợp lý. Theo các văn bản của huyện Ba Bể, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, văn bản của hợp tác xã thuyền du lịch hồ Ba Bể đều ghi là là "Hợp tác xã quản lý hồ Ba Bể." 

Thực tế đây là một hợp tác xã quản lý thuyền chở khách trên hồ Ba Bể, chứ không thể là hợp tác xã quản lý hồ Ba Bể được. 

Bởi hồ Ba Bể là một phần của Vườn Quốc gia Ba Bể, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chịu sự quản lý trực tiếp của Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, vừa quản lý về địa giới hành chính vừa quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường theo chuẩn quốc gia và quốc tế quy định cho các khu đặc dụng, ngập nước... 

Không biết căn cứ vào đâu mà các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn lại ra quyết định thành lập "Hợp tác xã quản lý hồ Ba Bể," vượt qua cả Quyết định thành lập Vườn Quốc gia Ba Bể của Chính phủ?

Trong các văn bản của tỉnh Bắc Kạn, như công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh số 3398 (6/12/2012); Công văn số 14 (14/1/2013) của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giấy phép hoạt động bến thủy của Sở Giao thông-Vận tải Bắc Kạn... đều ghi "Hợp tác xã quản lý Hồ Ba Bể." 

Khi muốn tìm Quyết định thành lập "Hợp tác xã quản lý Hồ Ba Bể" thì ở Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể không có, Chủ nhiệm hợp tác xã cũng không có. 

Ông Chủ nhiệm hợp tác xã chỉ trình được Quyết định số 39/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Bể Phạm Văn Tiến ký, về việc hủy bỏ QĐ/75/QĐ-UB (21/1/2005) của Ủy ban Nhân dân huyện Ba Bể, trong đó Điều 2 của quyết định này ghi: Giao cho xã Nam Mẫu phối hợp với Vườn Quốc gia Ba Bể chỉ đạo Ba Quản lý tổ dịch vụ xuồng bàn giao tài sản, tài chính... cho "Hợp tác xã quản lý Hồ Ba Bể."

Ông Nông Văn Hồi, Chủ nhiệm "Hợp tác xã quản lý Hồ Ba Bể," cho biết, thực tế hợp tác xã chỉ quản lý thuyền và điều phối việc đưa khách du lịch tham quan và người dân qua lại trên hồ Ba Bể. Hợp tác xã cũng được giao quản lý cả hai bến thuyền nhưng không có chức năng xử lý vi phạm nên nhiều khi những sự việc tranh khách, mất trật tự không giải quyết được. 

Đặc biệt cho đến nay vẫn chưa có một quy chế phối hợp giữa các bên liên quan như Vườn Quốc gia Ba Bể, xã Nam Mẫu và hợp tác xã. 

Việc giao hợp tác xã cho xã Nam Mẫu hay Vườn Quốc gia quản lý cũng cần phải xem xét lại vì hoạt động trên hồ liên quan đến cảnh quan, môi trường, đến hệ sinh thái... Và đặc biệt là xử lý an toàn cho khách, tình hình an ninh trật tự. 

Thường những ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, lượng khách tham quan nhiều nên việc điều hành gặp khó khăn do các thuyền không vào hợp tác xã và thuyền trong hợp tác xã tranh giành khách, nhưng công an và trật tự viên lại nghỉ nên khi xảy ra sự việc thường không được giải quyết kịp thời.

Hiện nay, toàn bộ số thuyền chở khách trên hồ Ba Bể là 92 chiếc, trong đó có 86 thuyền tham gia hợp tác xã, còn 6 thuyền ở ngoài hợp tác xã.

Tuy nhiên, theo ông Hồi thì cả những thuyền đã vào hợp tác xã cũng thường tự liên hệ để chở khách, không qua mua vé tại Ban quản lý hợp tác xã, rất khó kiểm soát, gây bất bình đẳng trong xã viên hợp tác xã.

Ông Nông Văn Khuê, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết Vườn Quốc gia Ba Bể đã có công văn số 80/BC-VQG gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đề xuất việc tổ chức, quản lý thống nhất các hoạt động du lịch gắn với Quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Ba Bể, đảm bảo đúng với quy định của pháp luật về các hoạt động trong khu di sản. 

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã cho phép thành lập Trung tâm du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường trực thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể, thì nên để việc quản lý tập trung cho Trung tâm này quản lý, điều hành phù hợp trong các điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. - ông Khuê đề nghị.

Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể Triệu Đức Văn khẳng định việc quản lý thuyền và bến thuyền như hiện nay là không hợp lý, cần có thay đổi cho phù hợp, nhằm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp khách, giải quyết được sự ách tách bến bãi, chỗ bán hàng cho người dân, khi mà việc mở rộng bến là không thể do địa hình phức tạp.
 
Hồ Ba Bể là một trong những hồ tự nhiên đẹp không chỉ ở Việt Nam mà còn là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. 

Ba Bể được công nhận là di sản văn hóa lịch sử Quốc gia (1986); Ba Bể được công nhận là Khu di sản của ASEAN (2003) và đến tháng 2/2011, Vườn Quốc gia Ba Bể được Ban Thư ký Ramsar công nhận là Khu Ramsar thứ 1938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. 

Ba Bể là một điểm du lịch rất lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước không chỉ vì cảnh quan tuyệt vời của hồ Ba Bể, của những khu rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học mà còn có cả hệ thống hang động, thác nước tuyệt vời.