Nhiều bất ổn chính trị, kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng tại Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục là chủ đề nóng của truyền thông quốc tế tuần qua. Hiện chưa rõ hồi kết của bất ổn tại khu vực này, nhưng những hệ lụy của nó đối với tình hình chính trị - xã hội, kinh tế của thế giới là vô cùng nặng nề.

KTĐT - Cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng tại Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục là chủ đề nóng của truyền thông quốc tế tuần qua. Hiện chưa rõ hồi kết của bất ổn tại khu vực này, nhưng những hệ lụy của nó đối với tình hình chính trị - xã hội, kinh tế của thế giới là vô cùng nặng nề.

Hàng nghìn dân thường tại các nước nước này đã bị thương vong do xung đột với lực lượng an ninh của chính quyền. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn lao động các nước tại Lybia, trong đó có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đã phải sơ tán sang các nước láng giềng để trở về quê hương, các doanh nghiệp đầu tư cũng bị thiệt hại nặng.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng chính trị tại Lybia đẩy thế giới đến bờ vực của "khủng hoảng dầu mỏ". Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong tuần qua đã có ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, tăng 28% so với cùng kì năm ngoái. Nariman Behravesh, nhà kinh tế cấp cao tại IHS Global Insight dự báo cứ mỗi 10 USD/thùng dầu tăng lên thì tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ suy giảm 1% sau hơn 2 năm. Nếu cuộc "khủng hoảng dầu mỏ" thực sự xảy ra, sẽ là một cú sốc đối với kinh tế toàn cầu bởi kinh tế thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ: lạm phát, thất nghiệp, nợ công,... Trong tuần, tâm lý bất an khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như là nơi "trú ẩn" an toàn hơn khiến kim loại quý liên tục duy trì ở ngưỡng 1.440 USD/ounce.

Nhằm kiểm tra khả năng đối phó với khủng hoảng, các nhà điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đồng ý bắt đầu cuộc kiểm tra với các ngân hàng trong khu vực này. Mặc dù, kết quả các cuộc kiểm tra sẽ được công bố vào tháng 6 nhưng Thống đốc Ngân hàng Anh vừa cảnh báo nước này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nếu hệ thống ngân hàng không sớm thực hiện cải cách. Hệ thống ngân hàng tại Anh đang xuất hiện những mầm mống nguy hại do sự mất cân bằng trong hệ thống vẫn tồn tại và có nguy cơ gia tăng. Bên cạnh nguy cơ đổ vỡ từ ngân hàng Anh, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet vừa khiến các thị trường tài chính thế giới bị "sốc" khi bất ngờ cho biết, ECB có thể nâng lãi suất ngay trong tháng tới để kiềm chế lạm phát.

Trong tuần qua, việc thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách năm tài khoá 2011 của Quốc hội Mỹ đã làm nóng chính trường nước này. Trước những bất đồng của đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà xung quanh vấn đề ngân sách, Tổng thống Barack Obama hôm 5/3 đã kêu gọi các nghị sỹ của hai đảng cùng hợp tác để thống nhất kế hoạch cắt giảm các khoản cái tiêu lãng phí, nhưng không loại bỏ các khoản đầu tư tạo việc làm trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới và cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia dự báo kinh tế hàng đầu của Mỹ nhận định việc cắt giảm ngân sách mạnh tay sẽ khiến nước này mất 700.000 việc làm trong vòng 2 năm tới.

Sự kiện khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XI trong tuần cũng thu hút được sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Trong dự thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015) trình Quốc hội, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm trong vòng 5 năm tới với những cải thiện đáng kể về chất lượng phát triển kinh tế; tạo thêm hơn 45 triệu việc làm ở khu vực đô thị và khống chế tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị không quá 5%, đảm bảo giá cả ở mức tương đối ổn định, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo bước đột phá trong các ngành công nghiệp chiến lược mới, tỷ lệ đô thị hóa tăng lên 51,5%, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển chiếm 2,2% GDP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần