Nhiều biện pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực chỉ đạo rà soát, tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu nông sản để mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là giảm dần sự phụ thuộc nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn tại buổi họp báo thông báo kết quả hoạt động sản xuất của ngành NN&PTNT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 tổ chức chiều tối 27/6.

 
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng về giá trị tổng sản lượng của ngành là 3,4%, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6%, thủy sản tăng 6%. Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (so với 2,14% của năm 2013). Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, do có những căng thẳng trên Biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa nước ta với Trung Quốc gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản giữa hai nước trong 6 tháng qua có tăng trưởng nhưng tháng 5 và tháng 6 đã giảm và có nguy cơ giảm sâu hơn nữa. Hiện nay, nước ta có một số nông sản phụ thuộc nhiều về thị trường Trung Quốc như lúa gạo và cao su xuất sang Trung Quốc chiếm 40% tổng số lượng xuất khẩu hai mặt hàng này. Đặc biệt, với một số mặt hàng như thanh long, bột sắn, Trung Quốc chiếm tới 80 - 90% thị phần xuất khẩu.

Theo nhận định, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trước vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các thị trường và phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các nước để mở cửa thị trường. Còn ở trong nước, Bộ NN&PTNT đã làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để làm rõ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh sản xuất. Đối với sản xuất, rà soát và thông tin cho các địa phương, Nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp quy mô sản xuất…

Đồng thời, để phục hồi tốc độ tăng trưởng, ngành NN&PTNT đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành. Đến nay, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu 6 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản và cụ thể hóa các giải pháp thực hiện. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2014, Bộ sẽ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 80.000 - 90.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng hàng năm như ngô đậu tương, vừng, lạc và các rau màu khác.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Nghị định về một số chính sách về phát triển thủy sản đã được Bộ NN&PTNT xây dựng, hoàn thành trong vòng 40 ngày. Hiện nay, Bộ đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, trong cuối tháng, Bộ sẽ trình Chính phủ để ký ban hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân bám biển sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn, chờ khi Nghị định ban hành sẽ triển khai áp dụng ngay. Ngoài ra, hiện nay Tổng cục Thủy sản cũng đang họp bàn với các doanh nghiệp đóng tàu và các hiệp hội để bàn thiết kế nhiều mẫu tàu khác nhau để người dân lựa chọn, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT cũng đang bàn thảo, xây dựng chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá và bảo hiểm y tế cho thuyền viên.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,17 tỷ USD, tăng 6,9%; thủy sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 28,6%; lâm sản chính ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD.