Nhiều chuyển biến đáng mừng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến...

Kinhtedothi - Trước thực trạng thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, Sở Y tế Hà Nội đã và đang triển khai đề án xây dựng “mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)". Theo các chuyên gia, việc triển khai mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống bảo đảm ATTP không phải là chuyện dễ, nhất là ở nơi dân cư phức tạp như Hà Nội.

Ý thức được nâng lên

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, dịch vụ thức ăn đường phố tại các phường, thị trấn đang gia tăng và thực sự trở thành hệ thống cung cấp thực phẩm cho cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu phục vụ đông đảo người lao động do giá cả phù hợp, hình thức đa dạng, phong phú, phục vụ nhanh chóng và thuận tiện. Bên cạnh đó, thức ăn đường phố đã và đang bộc lộ những nhược điểm, đó là nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và văn minh đô thị như thiếu hạ tầng cơ sở và các dịch vụ vệ sinh môi trường, kiến thức, thực hành của người chế biến còn hạn chế; nhận thức về ATTP của người tiêu dùng còn đơn giản, chủ quan, dễ chấp nhận điều kiện phục vụ yếu kém của các đơn vị kinh doanh.
Cửa hàng ăn cố định được trang bị tủ kính đảm bảo ATTP.     Ảnh: Hải Lý
Cửa hàng ăn cố định được trang bị tủ kính đảm bảo ATTP. Ảnh: Hải Lý
Trước thực trạng trên, từ năm 2013, UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt và triển khai Đề án với mục tiêu nâng cao chất lượng ATTP đối với thức ăn đường phố nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và văn minh đô thị. Đánh giá sau 2 năm triển khai Đề án, công tác ATTP đã nhận được sự đồng thuận của người quản lý, người chế biến, kinh doanh và tiêu dùng. Số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn 176 phường, thị trấn, các loại hình ngành hàng dịch vụ ăn uống liên tục gia tăng.
Đề án triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 được triển khai từ tháng 8/2013. Theo đề án, việc triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống sẽ được thực hiện và duy trì 1 tuyến phố tại mỗi phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Một số mục tiêu đề ra: 100% phường, xã, thị trấn triển khai mô hình; hơn 75% số người chế biến dịch vụ ăn uống thực hành đúng các quy định ATTP; hơn 75% số người tiêu dùng có kiến thức và biết cách lựa chọn cơ sở dịch vụ bảo đảm ATTP; hơn 85% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP...
Nếu như năm 2013 có 9.258 cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố thì đến năm 2014 đã tăng lên 11.343 cơ sở. Tất cả chủ cơ sở  hàng năm ký cam kết với Ban chỉ đạo An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các phường (trước khi can thiệp là 50%). Trong năm 2014, đánh giá kiến thức, thực hành đúng về ATTP của 3 nhóm đối tượng cho thấy, tỷ lệ người quản lý có kiến thức, thực hành đúng về ATTP là 86% (trước khi can thiệp là 59,1%); tỷ lệ người tiêu dùng là 74% (trước khi can thiệp là 72,6%) và tỷ lệ người chế biến, kinh doanh là 75% (trước khi can thiệp là 58%).

Một trong những nơi được Sở Y tế Hà Nội chọn thí điểm triển khai mô hình này là phố Quán Thánh (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) - nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, bao gồm: cửa hàng ăn uống, quầy hàng thức ăn ngay, thực phẩm chín… Khi áp dụng mô hình dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP, các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố này được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, tổ chức tập huấn, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cụ thể là tiêu chí đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín; hỗ trợ găng tay sử dụng một lần cho cơ sở dịch vụ ăn uống; tập huấn, khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố; tuyên truyền giáo dục về ATTP dịch vụ ăn uống cho người chế biến kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong 2 năm thực hiện đề án, mô hình điểm tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống tại phố Quán Thánh bước đầu đạt hiệu quả. Điều dễ nhận thấy ở mô hình này là ý thức của người kinh doanh, người sản xuất và người tiêu dùng được nâng lên.

Cần áp dụng chế tài xử lý mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình vẫn còn một số tồn tại như sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm tại những cửa hàng kinh doanh ăn uống chưa thường xuyên. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng vẫn phát hiện tình trạng nguyên liệu chế biến thực phẩm chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó là tiến độ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP còn chậm tại một vài nơi.

Đánh giá về mô hình kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATTP, cán bộ chuyên trách của nhiều quận, huyện cho rằng, việc triển khai đề án này đến các cơ sở kinh doanh không dễ dàng. Trong 10 quy định bắt buộc về bảo đảm ATTP thức ăn đường phố mà các cơ sở phải thực hiện có những tiêu chí tưởng chừng đơn giản như: ghi chép đầy đủ nguồn gốc thực phẩm sử dụng hàng ngày, lưu mẫu thực phẩm hàng ngày hay đeo găng tay khi chế biến thức ăn nhưng khi triển khai đến từng hộ kinh doanh chẳng khác nào “tiến hành một cuộc cách mạng”.

Điều mà dư luận lo ngại khi Sở Y tế Hà Nội triển khai mô hình này, đó là việc xử lý vi phạm về ATTP ở tuyến cơ sở chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là nhắc nhở chứ chưa áp dụng biện pháp mạnh. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, từ ngày 15/11 tới, Hà Nội sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường nhằm quản lý tốt vấn đề ATVSTP ngay từ cơ sở, không để tình trạng chỉ nhắc nhở, không xử lý đối với các vi phạm ATTP tại các tuyến xã, phường như trước. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng phải “tẩy chay” những cơ sở kinh doanh trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo an toàn, đồng thời mạnh dạn tố giác các vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không chấp nhận những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng...

 
Tăng cường kiểm tra ATTP
Có thể nói, việc Hà Nội triển khai Đề án xây dựng mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP như một điểm nhấn của Thủ đô trong khâu quản lý thức ăn đường phố. Từ khi thực hiện Đề án đến nay, ý thức của người kinh doanh, tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn có nhiều chuyển biến đáng mừng. Từ nay cho đến hết năm, cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh, kiểm tra chất lượng các mặt hàng phục vụ Tết cũng như công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… Tại các điểm kinh doanh thức ăn đường phố, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nhất là việc lạm dụng các phụ gia thực phẩm, sử dụng các phụ gia không nguồn gốc… đang khiến dư luận lo lắng. Khi kiểm tra các đơn vị chế biến thực phẩm, các đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm các chất phụ gia. Nếu phát hiện sai phạm, cơ sở sản xuất thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm.
TS Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội

Nhiều lợi ích
Nếu trước đây, mỗi lần đến các điểm thức ăn đường phố, chúng tôi luôn lo lắng khâu ATTP, nhưng vài năm nay, các cửa hàng ăn tại phố Quán Thánh sạch sẽ, có tủ kính che đậy thực phẩm, người chế biến luôn dùng găng tay. Bằng cảm quan bên ngoài, chúng tôi yên tâm hơn, khi biết đây là phường điểm thực hiện mô hình tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, chúng tôi càng yên tâm. Người dân như chúng tôi rất vui mừng khi TP xây dựng những tuyến phố như thế này, điều đó khiến không chỉ người dân Thủ đô mà cả du khách khi đặt chân đến đây đều cảm thấy hài lòng khi sử dụng các dịch vụ ăn uống bên ngoài. Chính vì vậy, trong tương lai, việc quy hoạch khu ẩm thực theo hướng an toàn, văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa ẩm thực truyền thống cần phải được triển khai nhanh, sâu rộng, góp phần mang lại nhiều lợi ích, nhất là củng cố thương hiệu du lịch Thủ đô.
Chị Nguyễn Thị Hằng - Phố Quán Thánh, quận Ba Đình

Không phải làm đối phó
Cửa hàng chúng tôi luôn coi trọng việc đảm bảo ATTP, chúng tôi thực hiện không phải để đối phó với cơ quan chức năng, mà quan trọng là đảm bảo thực phẩm an toàn đối với thực khách. Từ khi Hà Nội triển khai mô hình tuyến phố tập trung ăn uống tại đây, các cửa hàng như chúng tôi thường xuyên được tập huấn cũng như kiểm tra ATTP. Nói thật, trước đây, tôi cứ nghĩ, gia đình ăn thế nào thì chế biến, bảo quản thực phẩm thế ấy. Nhưng khi cửa hàng ký cam kết đảm bảo ATTP, các điều kiện còn khắt khe hơn nhiều. Ngay như việc trang bị tủ kính, găng tay, khám sức khỏe định kỳ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc… chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc.
Chị Trần Thị Thủy - Chủ một cửa hàng thức ăn đường phố tại phố Núi Trúc, quận Ba Đình