Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn xã Ninh Hiệp

Nhiều chuyển biến tích cực

Đức Trí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm nằm giữa tuyến đường Quốc lộ 1A, 1B là các tuyến đường trung chuyển hàng hóa chủ yếu từ cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội, liền kề với khu thương mại Baza của thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Với 2 nghề truyền thống nổi tiếng là nghề buôn bán vải, quần áo và nghề thuốc nam, thuốc bắc, địa bàn này được huyện Gia Lâm và TP Hà Nội xác định là khu vực trọng điểm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Chợ Nành - khu chợ truyền thống buôn bán vải của xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm
Chợ Nành - khu chợ truyền thống buôn bán vải của xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm

2 nghề truyền thống nổi tiếng

Ninh Hiệp từ lâu đã nổi tiếng với 2 nghề truyền thống lâu đời là nghề buôn bán vải, quần áo và nghề thuốc nam, thuốc bắc. Trong đó, nghề buôn bán vải, quần áo có quy mô lớn vào bậc nhất cả nước với số lượng hàng hóa khổng lồ, cung cấp cho khắp các tỉnh, thành và các chợ đầu mối trên toàn quốc.

Theo số liệu của Đội QLTT số 8 huyện Gia Lâm, toàn xã Ninh Hiệp có khoảng 2.213 hộ và 108 doanh nghiệp kinh doanh có đóng thuế nhà nước. Trong đó, số hộ kinh doanh tại chợ Nành cũ khoảng 1.393 sạp, ki-ốt; số hộ kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sơn Long là 280 sạp, ki-ốt; số hộ kinh doanh tại Trung tâm thương mại Phú Điền có 280 sạp, ki-ốt; Trung tâm thương mại Vĩnh Phát có 110 sạp, ki-ốt, còn lại là các hộ kinh doanh tại các trục đường xóm, đường Ninh Hiệp và khu Trung tâm thương mại Tuấn Dung khoảng 150 hộ.

Về lĩnh vực kinh doanh thuốc nam, thuộc bắc, trên địa bàn xã Ninh Hiệp có khoảng 140 hộ và 9 công ty, trong đó hầu hết các hộ đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh theo thời vụ, gia công thuê cắt thái dược liệu. Những năm gần đây, dưới sự hướng dẫn, tuyên truyền của các cơ quan chức năng và UBND huyện gia Lâm, đa phần các cá nhân, tổ chức sản xuất, sơ chế, kinh doanh đông dược trên địa bàn xã đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cải thiện môi trường, quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp vệ sinh và đúng quy định pháp luật hơn.

Trên địa bàn xã Ninh Hiệp còn có 1 cụm công nghiệp với diện tích trên 60ha. Tính đến thời điểm hiện tại, có tới 96% số hộ nộp thuế nhà nước theo hình thức khoán hàng tháng, dẫn đến tình trạng kinh doanh mua bán hàng hóa không có hoặc không lưu giữ hóa đơn chứng từ theo quy định.

Với hai nghề truyền thống nổi tiếng trên, hàng hóa buôn bán tại Ninh Hiệp chủ yếu là vải, quần áo, các sản phẩm dược liệu, các hàng hóa tiêu dùng từ Trung Quốc về Việt Nam. Đây cũng chính là địa bàn phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả.

Điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Đội trưởng Đội QLTT số 8 huyện Gia Lâm Trương Đình Minh, lợi dụng địa thế giáp ranh, các đối tượng buôn lậu thường sử dụng thủ đoạn tập kết hàng hóa tại địa phận giáp các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phân chia nhỏ lẻ và chuyên chở bằng xe ba gác tự chế len lỏi qua các tuyến đường thôn, xóm tập kết về Ninh Hiệp vào sáng sớm, gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả.

Bên cạnh đó, việc nhận thức và hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh thương mại và dịch vụ còn nhiều hạn chế. Tình trạng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; chuyển địa điểm kinh doanh không thông báo với cơ quan đăng ký cấp huyện; kinh doanh hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam… vẫn còn tiếp diễn.

Đặc biệt đối với nghề truyền thống thuốc nam thuốc bắc, tuy nhận thức của người sản xuất, kinh doanh đã được nâng lên nhưng vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa chấp hành đầy đủ các điều kiện về kinh doanh, gia công sơ chế…

Để công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và vi phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao, ngoài công tác chủ động kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong  kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là đặc biệt quan trọng.

Một ki -ốt bán quần áo trên địa bàn xã Ninh Hiệp
Một ki -ốt bán quần áo trên địa bàn xã Ninh Hiệp

 “Thời gian qua, Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm đã tập trung đặc biệt vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; coi công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn chặt với quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt tại điểm nóng như địa bàn xã Ninh Hiệp” – ông Trương Đình Minh cho biết.

Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm cũng quán triệt chỉ đạo toàn bộ lực lượng chức năng trong Ban chấp hành nghiêm chủ trương của TP Hà Nội về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng phòng, ban, ngành phụ trách. Gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra vi phạm lớn, bị phương tiện thông tin phản ánh hoặc gây bức bức xúc cho người dân mà chưa được xử lý.

Chuyển biến mạnh từ công tác tuyên truyền

Năm 2022, Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm đã thực hiện việc điều tra cơ bản, lập danh sách hộ kinh doanh, phân loại ngành nghề và tỷ lệ chấp hành đăng ký kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan liên tỉnh, liên huyện, liên quận trong công tác trao đổi thông tin; phối hợp phòng ban chuyên môn của huyện và chính quyền xã Ninh Hiệp tổ chức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước trong kinh doanh thương mại.

Thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức ký cam kết, tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các kiến thức pháp luật, tác hại của việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu cũng như tuyên truyền về công tác kiểm tra, kết quả xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên hệ thống loa phát thanh của huyện và hệ thống loa phát thanh xã Ninh Hiệp, nhằm tăng cường tính răn đe, nâng cao nhận thức của người dân…

Nhờ đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Ninh Hiệp đã phần nào được hạn chế. Năm 2022, Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm đã kiểm tra xử lý 119 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu trên địa bàn với tổng số tiền thu nộp ngân sách 1,924 tỷ đồng; trong đó phạt hành chính 871 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm bị thu giữ trên 1,053 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo Đội trưởng Đội QLTT số 8 huyện Gia Lâm Trương Đình Minh, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là những đặc điểm về địa hình, phương thức kinh doanh, giá thuê mặt bằng tại địa phương và nhận thức của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản còn chưa sâu sát do lực lượng còn mỏng, công tác phối hợp trao đổi thông tin còn chưa đồng đều.

Đối với mặt hàng thuốc đông dược, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thực hiện gia công, cắt thái sơ chế dược liệu tại hộ gia đình, ngõ xóm không có biển hiệu, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Do đó, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả tại chợ Ninh Hiệp được tiếp tục hạn chế, Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm đã đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, như: Chủ động bám sát thực hiện công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội và UBND huyện gia Lâm. Tiếp tục thực hiện kế hoạch QLTT, phòng chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, các phòng ban ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội… tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới người dân, thương nhân, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với tuyên truyền tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại bằng cách không buôn bán hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và tố giác những đối tượng vi phạm hành chính đến các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra xử lý.

Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm giao UBND các xã, thị trấn thực hiện ký cam kết đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn, phấn đấu các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện nói chung, xã Ninh Hiệp nói riêng đều ký cam kết “Không vận chuyển tàng trữ kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại; không sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm”; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm, tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh.

 

"Đây là điểm nóng, địa hình phức tạp và rất thuận tiện cho việc trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh biên giới về Việt Nam. Ban chỉ đạo 389 huyện Gia Lâm rất mong có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng trong công tác phối hợp kiểm tra, xử lý đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại tại địa bàn Ninh Hiệp” -Đội trưởng Đội QLTT số 8 huyện Gia Lâm Trương Đình Minh